Mùa hè đến rồi, dẫu hè năm nay do dịch bệnh mà học trò phải nghỉ trễ hơn mấy tháng. Nhưng đến kỳ thì những chùm hoa phượng đỏ chói vẫn bung nở, nhắc nhớ về một mùa hè với bao tâm tư trong trẻo tuổi học trò. Mùa hoa phượng vẫn đồng nghĩa với kỳ nghỉ hè của học trò. Mà nghĩ năm nay học trò phải nghỉ hè ngắn có khi là hay, đỡ phải cuống cuồng lao vào học hè, học thêm học bớt mà phụ huynh vẫn gọi là học kỳ ba.
Mùa hè đến rồi, dẫu hè năm nay do dịch bệnh mà học trò phải nghỉ trễ hơn mấy tháng. Nhưng đến kỳ thì những chùm hoa phượng đỏ chói vẫn bung nở, nhắc nhớ về một mùa hè với bao tâm tư trong trẻo tuổi học trò. Mùa hoa phượng vẫn đồng nghĩa với kỳ nghỉ hè của học trò. Mà nghĩ năm nay học trò phải nghỉ hè ngắn có khi là hay, đỡ phải cuống cuồng lao vào học hè, học thêm học bớt mà phụ huynh vẫn gọi là học kỳ ba.
Báo chí, mạng xã hội vừa qua tốn rất nhiều chữ nghĩa xung quanh vụ một cây phượng tại một trường học trong TP. Hồ Chí Minh bất ngờ bị bật gốc, khiến một em học sinh tử vong. Vết thương của gia đình càng được chọc ngoáy thêm bởi vô số những bài viết khai thác đủ mọi khía cạnh xung quanh em… Và tất nhiên là một làn sóng ào ào các trường khắp nơi đua nhau chặt hạ cây phượng, nếu không cũng mé cành, tỉa nhánh trơ trọi cây xanh trong khuôn viên.
Nhìn những hình ảnh cây bị chặt tan hoang trên mạng, thấy buồn. Một tai nạn đau lòng xảy ra là điều xui rủi, nhưng trên thực tế thì xác suất xảy ra có khi còn ít hơn tai nạn người bị sét đánh. Vậy mà sao các trường cực đoan đến độ “thà chặt lầm hơn bỏ sót”, cứ như tàn sát cây phượng vậy? Căn bệnh sợ trách nhiệm, hay nỗi sợ hãi trước tác động kinh khủng của truyền thông?
Tự nhiên bần thần nhớ về ngôi trường làng mà ngày xưa mình đi học. Sân trường rợp bóng mát của tán bàng, tán phượng. Mùa hè ngồi học trong lớp nghe tiếng ve râm ran và thấy những chùm phượng thắp lửa, tâm hồn thả tít theo cánh diều ai thả ngoài kia, chỉ mong một hồi trống tan trường… Ngày ấy chưa bao giờ có nỗi lo cây gãy cành, bật gốc. Bởi từ khi mới xây trường, các cụ đã nhắm nơi trồng cây. Cây từ nhỏ lớn lên tự nhiên như vốn vậy, sân trường chỉ là sân đất nên cây cứ lớn, cứ phát triển tự nhiên thật vững vàng. Bao nhiêu thế hệ học trò với bao trò tinh nghịch đã diễn ra dưới tán bàng, tán phượng…
Bây giờ hiện đại quá. Sân trường thì trám xi măng cho sạch. Cây thì bứng cây cổ thụ từ rừng về cho mau. Sân chật nên chỉ làm một cái bồn bé tí hin lớn hơn gốc cây chút xíu… Hỏi làm sao mà cây ra rễ, lấy gì cho cây đứng vững khi mưa gió? Còn bình thường làm sao cây không chết ngợp?
Không lẽ bây giờ đã phải hoài cổ sớm, lo bài hát mới ngày nào “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng…” sắp thành ký ức? Sân trường của học trò chỉ là khoảng xi măng rừng rực dưới nắng mặt trời?
Thủy Ngân