10:12, 03/12/2019

Thương quê!

1. Chính xác nó là một cái bầu, tôi chỉ biết nước dẫn từ đập dài ở Vĩnh Thạnh, loằng ngoằng qua mấy xóm rồi uốn lượn chỗ gần nhà tôi. Tôi chuyển nhà từ phố về Vĩnh Thạnh được hơn một năm, tuy nhiên, thời gian tôi ở đây không nhiều, vì tôi còn một nơi chốn đi về khác là Sài Gòn để giúp đỡ con cái.

1. Chính xác nó là một cái bầu, tôi chỉ biết nước dẫn từ đập dài ở Vĩnh Thạnh, loằng ngoằng qua mấy xóm rồi uốn lượn chỗ gần nhà tôi. Tôi chuyển nhà từ phố về Vĩnh Thạnh được hơn một năm, tuy nhiên, thời gian tôi ở đây không nhiều, vì tôi còn một nơi chốn đi về khác là Sài Gòn để giúp đỡ con cái.

 

Trên bầu mương thoát ở Vĩnh Thạnh.

Trên bầu mương thoát ở Vĩnh Thạnh.


Những lần về Nha Trang vội vàng, dù bận bịu cách mấy tôi cũng dành ít thời gian tha thẩn nơi này, thường là lúc nắng chiều đã dịu, sót lại chút màu vàng nhạt trên đồng lúa. Vài người làm công việc cắt rau cho buổi chợ sớm mai trên những ruộng rau xanh. Hai, ba người câu cá im lìm, bất động. Tôi không biết họ câu được nhiều không hay chỉ là thú tiêu khiển tạm xa rời chốn phố thị chật chội. Trong tiếng gió hát êm êm trên lùm tre, thỉnh thoảng có tiếng lũ ngỗng quàng quạc trong sân sau một nhà nào đó, rồi mọi thứ trở lại yên ắng như mặt nước phẳng lặng bên dưới.


Bên kia bầu, rau nối tiếp rau. Vài người lặng lẽ công việc đồng ruộng cuối chiều, thỉnh thoảng vọng sang bên này những âm thanh họ nói chuyện với nhau, không rõ lời. Bức tranh chiều quê êm đềm như thế cho đến ngày tôi đi. Để rồi những chiều ở Sài Gòn, từ ban công nhìn ra sông Soài Rạp, tôi lại nhớ một góc nhỏ nhà quê Nha Trang quá đỗi.


2. Vừa rồi tôi về nhằm đợt bão, trói chân trong nhà hai ngày mưa, chiều vừa tạnh tôi liền xách máy hình ra bầu. Bức tranh chiều hôm ấy sống động vì một đàn vịt đang lạp cạp dưới nước, phía sau có chiếc ghe nhỏ, một người đang chèo xua chúng theo đàn. Tôi bấm máy vội vàng bởi những khoảnh khắc rộn ràng dần mất hút sau một cái “eo” đầy lục bình, có lùm tre dày.


Những tấm hình không đạt vì thiếu ánh sáng khiến tôi buông máy và cố ghi nó vào bộ nhớ. Một cậu thanh niên đang ngồi câu cá nói với tôi: “Sáng mai cô ra khoảng 8 giờ là lúc người ta lùa vịt đi ăn bên cánh đồng”.


Trong khi chờ đàn vịt, tôi nói chuyện với một người đàn ông độ 70 tuổi, có gương mặt trẻ hơn tuổi, vóc người khỏe mạnh đúng kiểu nhà nông quanh năm đồng ruộng, tuy cực nhọc nhưng không vướng bận nhiều nghĩ suy, được này mất kia. Nói chuyện với ông mới biết tên gọi chính xác nơi đây là “Bầu mương thoát”. Ngày xưa, nơi đây chỉ là cái mương, làm công việc thoát nước cho cánh đồng, dòng chảy của nó ra Cầu Bè, về Cầu Dứa rồi đổ vào sông Quán Trường. Thời gian trôi, nước xé lần, mương rộng thành bầu, người đời lấy làm tên luôn cho dễ nhớ.  

   
Sáng hôm ấy, tôi đã “thu hoạch” được một album hình ảnh đàn vịt trong nắng sớm khá thú vị. Chúng xuất hiện bắt đầu từ cái eo đầy lục bình, phía sau có lùm tre dày, lạp cạp, vỗ cánh rộn ràng mặt nước. Cô chèo ghe xua đàn vịt, nói vọng lên với tôi: “Sáng nay em đi bữa cuối, chiều người ta bắt vịt rồi”. Lũ vịt ùa lên cánh đồng vừa chạy vừa đập cánh. Chiếc ghe nhẹ nhàng tấp vào bờ. Dựng ghe tựa vào một cây thấp, cô lùa vịt cầm cây dài đi nhanh theo chúng.


Bức tranh quê của tôi êm ả trở lại. Vài người câu cá bắt đầu xuất hiện và tôi hí hửng đem về máy tính những tấm hình ưng ý.


3. Tôi không nhớ mặt hết những người trong xóm nhưng tôi đoán cả xóm biết mặt mình bởi mỗi khi về tôi hay ra quét đường, chăm sóc cây quỳnh, nhổ cỏ... Rồi nói chuyện giao lưu với mấy nhà lân cận, đa phần là các gia đình trẻ, giáo viên, công nhân viên. Tôi nghĩ họ chú ý đến tôi còn bởi thỉnh thoảng lại thấy tôi xách máy hình ra bầu.


Cách nhà tôi mấy căn có đôi vợ chồng trẻ siêng năng lắm, chút xíu đất mà trồng rau xanh um. Trước và bên hông nhà có hai cây đu đủ chi chít trái. Cô vợ trẻ nói với tôi: “Khi nào cô ăn cứ qua hái nhé”. Tôi nghe rồi bận bịu không nhớ.


Một chiều tôi đi về, vừa dừng xe, cô đi nhanh qua đưa tôi trái đu đủ: “Có trái này hườm, mai cô nấu canh nhé”. Thật cảm động gì đâu.


Tôi kể câu chuyện nhỏ này trên facebook, bạn tôi, dân quê Thành chính gốc, từ thuở sinh ra cho đến lớn lên, trưởng thành, đi học xa rồi về, chỉ ở một nơi duy nhất, viết câu bình luận: “Ở quê là vậy”. Đọc mà thương quê gì đâu, chưa xa mà tôi đã thấy nhớ quê rồi!


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN