10:10, 01/10/2019

Món nợ ân tình

Tôi bị đau lưng, bác sĩ khuyên nên đi tập vật lý trị liệu ở bệnh viện phục hồi chức năng. Tại đây, tôi đã gặp anh chị. Từ chỗ xa lạ, chúng tôi dần trở nên thân quen qua những lời thăm hỏi về hoàn cảnh, bệnh tình của nhau. Chồng chị là bộ đội biên phòng. Anh bị thương trong một lần cùng đồng đội vây bắt các đối tượng buôn ma túy. Nghe chị kể về anh, một niềm thán phục len lỏi trong tôi.

Tôi bị đau lưng, bác sĩ khuyên nên đi tập vật lý trị liệu ở bệnh viện phục hồi chức năng. Tại đây, tôi đã gặp anh chị. Từ chỗ xa lạ, chúng tôi dần trở nên thân quen qua những lời thăm hỏi về hoàn cảnh, bệnh tình của nhau. Chồng chị là bộ đội biên phòng. Anh bị thương trong một lần cùng đồng đội vây bắt các đối tượng buôn ma túy. Nghe chị kể về anh, một niềm thán phục len lỏi trong tôi.


Chị kể, anh chị yêu nhau trên giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh xung phong nhập ngũ và được điều lên biên giới. Họ hẹn nhau sẽ làm đám cưới khi anh xuất ngũ.


Với vốn ngoại ngữ tốt, chị tìm được việc làm ở một công ty nước ngoài và được cử đi đào tạo ở Mỹ 2 năm. Giọng chị chợt nghèn nghẹn: “Chị đâu biết, một năm sau, anh ấy về, bán thân bất toại do bị thương vào tủy sống…”. Tôi dè dặt: “Mọi người không báo tin ư?”. “Không! Họ sợ chị lo lắng, ảnh hưởng đến học tập. Qua những email ngắn ngủi anh gởi, những tin tức chị nhận được là qua thời hạn nghĩa vụ quân sự, anh đã trở về và hiện đang làm việc tại một công ty phần mềm máy tính của nước ngoài nên rất bận... Trong mail luôn có một câu mặc định ở dòng tái bút: Anh vẫn khỏe mạnh! Hẹn ngày gặp lại!”.


Hoàn thành luận án thạc sĩ, chị được mời ở lại làm việc. Ba năm sau, khi về nước, chị cầm túi quà, háo hức đến nhà anh. Nghe tiếng chuông, mẹ anh bước ra, thảng thốt nhìn chị: “Là… con… sao?”.


Chị cười rạng rỡ. Niềm vui lấn át linh cảm về một điều bất thường. “Vâng! Vừa về là con đến thăm bác ngay. Anh ấy có nhà không ạ?”. Vừa nói, chị vừa bước tới. Mẹ anh đưa tay ngăn lại, nhỏ giọng nhưng cương quyết: “Không! Con đừng vào”. Nụ cười vụt tắt trên môi chị: “Có chuyện gì hả bác?”. Bà xua tay: “Không có gì. Nó không có nhà. Con về đi”.


Nhìn kỹ, chị nhận ra, bà già và gầy đi rất nhiều. Bà quay người, bước vào. Chị nắm tay bà, khẽ giật, khiến bà loạng choạng. Chị vòng tay, ôm trọn tấm thân gầy guộc ấy. Dường như không kìm được, bà òa lên nức nở: “Con ơi, nó…”. Chị sững người. Chẳng lẽ anh đã không thể đợi chị nên đã có gia đình? Hay là anh đã...


Chị lao vào nhà, đẩy cửa bước vào phòng anh. Anh nằm đó, dẹp lép, bất động dưới tấm chăn mỏng. Chị muốn bật khóc. Nhưng đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt gầy đen sạm của anh đã ngăn chị lại. Không hề bối rối hay ngại ngùng, anh chào chị, như thể họ mới gặp nhau ngày hôm qua. “Em về rồi đấy à?”. Sau phút lặng người, chị cố trấn tĩnh, thốt ra một tiếng “dạ” nhỏ nhẹ.


Chị bỗng hiểu, anh không cần bất cứ sự thương hại hay an ủi nào, có lẽ vì đã từng nghe rất nhiều. Vả lại, suy cho cùng, anh đã có một cuộc sống đáng tự hào để không có gì phải hối tiếc..


Sau khi thu xếp công việc, chị xin ba mẹ dành thời gian chăm sóc anh. Ba chị không nói gì. Từng là người lính, ông rất hiểu sự mất mát hi sinh của những người lính. Nhưng mẹ chị cực lực phản đối. Bà nói, chị có thể đến thăm anh khi rảnh rỗi, nhưng chăm sóc anh không phải là việc của chị. Ít nữa, chị phải lấy chồng cho bà có cháu bế. Chị cười cười, gật đầu cho mẹ yên lòng.


Hầu như ngày nào chị cũng có mặt ở nhà anh, cùng mẹ anh làm tất cả mọi việc, không nề hà cực nhọc. Nhưng anh nhất quyết không chịu. Chị ôn tồn: “Anh hãy cứ coi em là hộ lý, điều dưỡng đi”. Chị thuê chuyên gia đến nhà xoa bóp, day ấn huyệt cho anh. Lúc đầu mẹ và anh phản đối vì biết rất tốn kém. Chị nhìn thẳng vào mắt anh: “Anh muốn nằm thế này mãi, để mẹ và em vất vả chăm sóc?”. Anh im lặng, ánh mắt hằn lên nỗi đau bất lực. Dù rất hiểu và thương anh, nhưng chị tin là mình đúng. Với anh, không thể dỗ dành hay năn nỉ mà phải cương quyết thì mới có hiệu quả.


Ba tháng sau, khi anh tự chống tay ngồi dậy, chị mua cho anh chiếc xe lăn. Dù rất cực nhọc, dù liên tục té ngã, dù nhiều vết thương đau đớn trong quá trình tập luyện để chuyển từ giường sang xe lăn, nhưng không bao giờ anh rên rỉ hay kêu ca. Có lần, thương anh quá, chị ôm anh khóc: “Chúng mình làm đám cưới đi. Em sẽ chăm sóc anh suốt đời”. Anh nghiêm mặt, cương quyết lắc đầu: “Không được. Em đừng bao giờ nhắc lại điều này”. Nhưng chị cũng bướng bỉnh không kém, ngày nào cũng thủ thỉ với anh về một tương lai tốt đẹp, khi chị có thể toàn tâm toàn ý ở bên anh, lo cho anh như một người vợ. Những lúc ấy anh lại gạt đi: “Anh khỏe hơn rồi, có thể tự lo cho mình. Em không cần đến đây nữa”.


Mẹ anh cũng phản đối vì sợ chị khổ, nhưng vì thương con trai nên bà dễ dàng bị thuyết phục. Ba chị trầm ngâm: “Con cứ suy nghĩ thật kỹ đi”. Còn mẹ chị vẫn không đồng ý. Chị vòng tay ôm bà: “Mẹ à, phải có ai đó chấp nhận làm vợ thương binh chứ. Họ đã hi sinh vì Tổ quốc”. Mẹ chị thở dài. Lời con gái nói không phải không có lý…


Kể đến đây, chị cười rất tươi: “Lúc nào rảnh, em đến chơi với anh chị nhé”.


Một ngày Chủ nhật, khi đến nhà họ, tôi rất bất ngờ khi thấy anh đang chăm chú với chiếc laptop trên bàn. Giọng chị tự hào: “Anh thiết kế các bản vẽ xây dựng. Nhiều khách hàng tín nhiệm nên bận rộn lắm em à”. Tôi trêu: “Anh kiếm tiền để trả khoản nợ của chị phải không?”.


Anh mỉm cười, khẽ lắc đầu, quay sang trao cho chị một ánh nhìn dịu dàng:


- Món nợ với chị em lớn lắm, anh trả cả đời không hết!



. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy