Hôm vừa rồi xem chương trình "Ký ức vui vẻ" trên VTV3 với chủ đề Trung thu, chợt thấy bao kỷ niệm ùa về khi nghe các khách mời thế hệ 6X, 7X, 8X kể lại những câu chuyện Trung thu thời bao cấp…
Hôm vừa rồi xem chương trình “Ký ức vui vẻ” trên VTV3 với chủ đề Trung thu, chợt thấy bao kỷ niệm ùa về khi nghe các khách mời thế hệ 6X, 7X, 8X kể lại những câu chuyện Trung thu thời bao cấp…
Thời đó khó khăn nên lũ trẻ con lúc nào cũng mong tới những dịp mà đúng là chỉ dành riêng cho lứa tuổi mình. Còn nhớ trước Trung thu cả tháng, mấy anh chị em háo hức ngồi “chế” lồng đèn từ lon bia hoặc lon sữa bò, tối đến cho vận hành thử bằng cách kéo đi khắp xóm, âm thanh leng keng phát ra thật vui tai. Mà hầu như con nít nhà nào cũng biết làm “món” này. Đứa nào nhà khá giả một chút thì được bố mẹ mua cho lồng đèn ông sao làm từ giấy bóng kính, hoặc là lồng đèn giấy phim xanh xanh đỏ đỏ. Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất của bọn trẻ con chúng tôi thời đó là sợ lồng đèn bị cháy. Vậy nên, đứa nào cũng khư khư giữ, chỉ mang ra thắp nến vào đúng đêm Trung thu. Nhớ nhất là hình ảnh cả lũ trẻ xúm lại vừa rước đèn vừa che chắn gió, có đứa nhà nghèo thèm được cầm lồng đèn quá nên khi được bạn cho mượn chỉ dám đứng một chỗ chăm chăm canh nến cháy, vì nếu đi không cẩn thận lỡ lồng đèn cháy sợ bạn giận, bắt đền!
Hồi ấy nhà nào có ba mẹ làm công chức thì con cái càng mong tới Tết Trung thu vì sẽ được nhận quà bánh cơ quan tặng. Khoái nhất là được ăn cái bánh nướng bé bé xinh xinh, mà bánh chỉ có mỗi loại nhân thập cẩm chứ không đa dạng như bây giờ. Bánh thì cũng không ăn ngay mà phải để dành đúng đêm rằm mới thưởng thức. Có lẽ, ngon nhất là khi cắn trúng một miếng thịt mỡ lẫn vào trong nhân, cộng thêm vị bùi của hạt dưa và vài miếng lạp xưởng nhỏ tí ti. Bây giờ bánh trái ngon hơn nhiều, ấy vậy mà nhiều người vẫn không thể quên được hương vị của bánh Trung thu thời bao cấp. Bởi vậy cũng dễ hiểu vì sao một tiệm bánh Trung thu gia truyền ở Hà Nội, vào mùa này khách cứ xếp hàng dài chờ mua. Bánh ở đây đúng là vẫn giữ được hương vị xưa, ngay cả bao bì cũng chẳng cần thay đổi, chẳng cần phải đẹp lung linh. Có lẽ, người ăn bánh không phải vì thèm mà vì muốn tìm lại một chút hoài niệm xưa, tìm lại hình ảnh cách đây mấy chục năm về trước, ông bà cha mẹ mình cũng đã từng xếp hàng mua bánh cho con…
Chợt nghĩ đã rất nhiều mùa Trung thu trôi qua nhưng hình như các gia đình hiện đại đã không còn khái niệm chờ trăng lên phá cỗ. Bây giờ người ta đón Trung thu trong nhà hàng, khách sạn. Cũng bánh, cũng đèn hoa đủ kiểu, cũng có chú Cuội, chị Hằng Nga, vậy nhưng hình như những thứ đặc biệt ấy lại càng khiến những bậc cha mẹ thế hệ 7X, 8X nhớ hơn về những mùa Trung thu cũ - nơi tuổi thơ của họ gắn liền với chiếc lồng đèn tự chế đơn giản, với đêm trăng rằm cả xóm vui như trẩy hội, ngồi dưới ánh trăng nghêu ngao hát “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi…”.
Hôm qua họp phụ huynh, cô giáo bảo trường sẽ tổ chức Trung thu cho các cháu. Các lớp sẽ thi trang trí lồng đèn, mâm trái cây, rồi múa hát… Lồng đèn thì mua loại to đẹp, về các con sẽ tô vẽ thêm để dự thi, còn mâm ngũ quả thì nhờ tiệm làm sẵn. Dù biết là tiện lợi nhưng nghe xong tự nhiên thấy hụt hẫng…
Ngoài kia phố xá đông vui, có cả tiếng trống lân rộn rã tưng bừng. Giữa những khu nhà cao tầng chọc trời, ông trăng trở nên nhỏ bé. Nhìn trăng lại hoài niệm về ký ức tuổi thơ, nhớ về những mùa Trung thu cũ…
LỆ HẰNG