Tôi đến khu phố này mới được hơn tuần. Tôi là một họa sĩ tự do, chưa có gia đình, cũng không bị gò bó bởi bất cứ điều gì nên nơi nào thích thì tôi ở lâu, không thích thì vài bữa. Nhà trọ của tôi ở gần một trường tiểu học.
Tôi đến khu phố này mới được hơn tuần. Tôi là một họa sĩ tự do, chưa có gia đình, cũng không bị gò bó bởi bất cứ điều gì nên nơi nào thích thì tôi ở lâu, không thích thì vài bữa. Nhà trọ của tôi ở gần một trường tiểu học. Lẽ ra tôi đã chuyển đi rồi, nhưng từ một sự tình cờ, cũng có thể do cái duyên nào đó đã khiến tôi quyết định ở lại lâu hơn. Ít ra cho đến khi tôi hoàn thành xong bức tranh về ông. Hay nói đúng hơn là một bức tranh toàn cảnh, trong đó ông là nhân vật trung tâm.
Buổi sáng đầu tiên đến đây, tôi dậy sớm, ngồi nhâm nhi tách cà phê trong một quán nhỏ gần trường. Quán thưa khách. Bà chủ quán có khuôn mặt phúc hậu. Tiếng nhạc nhẹ nhàng đủ để những người ngồi bên nhau vừa uống nước, vừa trò chuyện tỉ tê. Tất cả những điều đó chẳng khiến tôi bận tâm. Tôi đang suy nghĩ xem mình sẽ vẽ gì ở nơi đây?
- May nhờ có ông ấy chứ không bọn trẻ sang đường đến khổ.
Tôi giật mình quay lại đã thấy bà chủ quán đứng bên. Tôi nhẹ nghiêng đầu cười.
- Cậu không biết đấy chứ, ngày nào ông ấy cũng có mặt ở đây dù nắng hay mưa để đưa bọn nhỏ sang đường đến trường.
Tôi nhìn theo hướng tay bà chỉ phía bên kia đường, đối diện cổng trường là một người đàn ông xấp xỉ bảy mươi cùng với nhóm học sinh nhỏ tuổi đang đứng trên vỉa hè.
- Xe không đông nhưng họ cứ lao đi vun vút thế kia, bọn nhỏ sang đường cũng nguy hiểm lắm. Nhiều ông bà dắt con cháu đi học mà chật vật mãi mới qua được bên này.
Bà chủ quán vẫn đứng cạnh tôi nhìn sang phía bên kia đường. Gần hai chục học sinh đứng ngoan ngoãn sau ông già ấy. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông cầm cuộn dây thừng, một đầu buộc vào thân cây trên vỉa hè, rồi đi xuống đường, cầm theo cuộn dây chăng ngang cao chừng 1 mét. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy người đi xe bắt đầu dừng lại cách sợi dây chừng 2 - 3 mét. Không hề có tiếng la ó, không lời quát tháo như tôi đoán. Sau khi buộc được đầu dây còn lại vào thân cây bên này, ông đi lại phía bên kia đường dắt bọn nhỏ sang. Lũ nhỏ xếp thành hàng, đi nhanh sang bên trường, ông già đi sau cùng, vừa đi vừa thu gọn sợi dây, vừa gật đầu với những người đang dừng xe chờ. Tôi đoán ông đang nói: “Cảm ơn!”, “Chúc buổi sáng tốt lành!” hay đại loại một câu gì thân thiện, chân thành lắm. Bởi tôi không hề thấy sự bực dọc, khó chịu trên những khuôn mặt của bao nhiêu người bị chặn dừng xe đó. Lát sau, ông già đã ghé lại quán cà phê tôi đang ngồi. Lúc này tôi mới nhận ra, bước chân ông không đều, bên chân phải có vẻ hơi nặng và cứng. Ông ngồi xuống ngay cạnh bàn tôi, bà chủ quán đã mang ra ấm trà từ lúc nào. Tôi đoán, ông là khách quen của quán. Hai người ngồi chuyện trò gì tôi không để ý, nhưng khi ông đứng dậy ra về, để quên cuộn dây thừng trên mặt bàn, tôi vội gọi:
- Ông ơi! Ông bỏ quên đồ này!
- Cảm ơn cậu, ông để đó trưa bọn nhỏ tan học lại dùng để đón chúng sang đường nữa.
Đấy, tôi quen ông như vậy. Người ta gọi ông là ông Tấn thương binh. Cái chân phải của ông là chân giả, còn chân thật của ông? Có lần ông cười nói với tôi: “Nó lạc mất tôi trong trận đánh mở màn chiến dịch Đường 9, Nam Lào rồi!”.
- Trận đó ác liệt quá, khi tôi tỉnh dậy đã nằm trong trạm quân y, khắp người băng bó, cẳng chân phải không còn.
Ông nhấp ngụm trà nóng kể với tôi về những trận đánh, về thương vong, về những hi sinh, khó khăn của bộ đội ta và về cả tình cảm chân thành của những người dân đất bạn Lào. Rồi ông vỗ vào ngực trái mình, nói:
- Đây này, ở đây vẫn còn mảnh đạn nữa. Nó nằm đó bao nhiêu năm nay rồi, có gắp ra được đâu. Trái gió trở trời lại đau nhức. Vậy mà tôi vẫn còn may mắn chán đấy, còn được trở về quê hương, được nhìn thấy đất nước thay đổi từng ngày. Nhiều đồng chí ngã xuống còn chưa tìm được đường về…
Tôi không dám hỏi thêm điều gì, hình như ông đang rất xúc động khi nhắc đến những người đồng đội đã hi sinh của mình. Ông nhắm nghiền mắt lại, trên khuôn mặt già nua đầy những đốm đồi mồi, vết sẹo dài phía đuôi mắt ửng đỏ rồi tái dần…
Tiếng trống trường vang lên hồi dài báo giờ tan học. Ông Tấn uống nốt ngụm trà rồi vội đứng dậy. Ông cầm theo cuộn dây vừa bước ra ngoài vừa vui vẻ nói với tôi:
- Tôi đi đón bọn nhỏ đã, sáng mai lại kể chuyện cho cậu nghe nhé.
Bà chủ quán nhìn theo bóng ông vừa đi khuất, chép miệng:
- Con cháu người ta mà lúc nào ông ấy cũng xem như con cháu mình vậy đấy. Bọn nhỏ quý ông ấy lắm, đứa nào đứa nấy đều gọi là ông ngoại Tấn. Bao nhiêu năm nay, ông ấy làm công việc không công này mà lúc nào cũng coi như đó là trách nhiệm của mình vậy. Đầu tiên người ta không hiểu, nói ông già rồi lẩn thẩn, dở hơi, lâu dần thành quen cậu ạ. Đấy, giờ đi đến đoạn này, vừa thấy ông ấy giăng dây là mọi người đều tự dừng xe lại chờ. Kìa, cậu thấy chưa?
Lũ nhỏ ngoan ngoãn đi hàng hai sang đường. Ông đi sau, nhanh chóng thu dây lại. Đứng trên vỉa hè, ông còn dặn dò bọn nhỏ gì đó trước khi chia tay. Dòng xe vẫn đi lại như bình thường, không hề có một chút xáo trộn.
Bức tranh tôi vẽ về ông đã xong. Tôi dự định sáng nay sẽ tặng lại ông trước khi rời khu phố nhỏ này để đến một nơi khác. Trong bức tranh, ông đang dắt lũ nhỏ qua đường như mọi ngày. Mọi vật vừa được gột rửa bởi cơn mưa nên quang đãng, sáng sủa hẳn. Tôi không cố tình dùng toàn gam màu sáng cho bức tranh, nhưng đúng là sau cơn mưa, mọi vật trở nên đầy sức sống.
. Truyện ngắn của Lê Công Phượng