08:07, 13/07/2018

Vợ lính

Ngày ấy, trong một trận chiến ác liệt, anh bị thương nặng, được đưa về trạm xá quân đoàn. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, người đầu tiên anh nhìn thấy là chị đang cúi xuống đắp lại cho anh tấm chăn. Chị reo lên mừng rỡ: "Tỉnh rồi, anh tỉnh lại rồi. Vậy mà…

Ngày ấy, trong một trận chiến ác liệt, anh bị thương nặng, được đưa về trạm xá quân đoàn. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, người đầu tiên anh nhìn thấy là chị đang cúi xuống đắp lại cho anh tấm chăn. Chị reo lên mừng rỡ: “Tỉnh rồi, anh tỉnh lại rồi. Vậy mà… Em lo quá”. Mọi người xung quanh nhìn chị vui vẻ: “Bác sĩ phẫu thuật mát tay mà, việc gì phải lo chứ?”. Chị nhoẻn cười.

 


Những ngày sau đó, nhờ sự chăm sóc tận tình của chị và các nhân viên khác, anh phục hồi nhanh chóng. Dù biết rằng chị đối với thương binh nào cũng ân cần và chu đáo, ánh mắt chị nhìn ai cũng dịu dàng và giọng nói luôn nhỏ nhẹ như vậy, nhưng anh vẫn cảm thấy hình như chị chú ý tới anh nhiều hơn thì phải. Bằng chứng là chị thường tranh thủ đảo qua giường anh, có khi thăm hỏi, có khi chỉ nhìn lướt qua rồi đi. Nhưng anh có cảm giác cái nhìn của chị dành cho anh âu yếm hơn. Giọng chị nói với anh ngọt ngào hơn. Và đặc biệt, những buổi chiều rảnh rỗi hiếm hoi, chị đến chỗ anh, đưa vai cho anh vịn để cùng đi dạo trong khu rừng xanh ngắt nơi trạm xá đóng quân… Chỉ là đi dạo, nói vài ba câu tự giới thiệu về nhau, đủ để chị biết rằng, khi chị mới vào đại học thì anh đã có 5 năm cầm súng, rằng cô gái từng hứa chờ anh nơi hậu phương đã đi lấy chồng...


Sau một tháng, sức khỏe anh hoàn toàn bình phục. Lúc này, trong anh luôn giằng xé giữa 2 suy nghĩ trái chiều: Nửa muốn trở lại đơn vị ngay, nửa muốn ở lại ít ngày để được gần chị.


Đêm cuối cùng ở trạm xá, anh thu hết can đảm, nói thẳng tình cảm của mình, hỏi chị có đồng ý làm vợ một người lính không? Bởi, làm vợ lính chắc chắn là phải xa cách, vất vả vô cùng… Chị mỉm cười, gật đầu.


Các anh chị trong trạm xá tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ cho 2 người, với một ít bánh kẹo mua ngoài thị xã và rất nhiều hoa rừng. Anh chỉ kịp ở lại với chị 1 ngày rồi vội vã vác ba lô trở về đơn vị. Nhiều năm sau, anh vẫn mang theo trong ký ức hình ảnh chị ngày hôm đó: mảnh mai, đơn độc trên con đường mòn xa tít, mờ dần trong bóng chiều chập choạng.


* * *


Đất nước thống nhất, anh được nghỉ phép về thăm nhà. Cu Tí lúc này đã được 3 tuổi, ngước đôi mắt tròn vo lên nhìn chú bộ đội, vâng lời mẹ gọi tiếng “ba” đầu tiên. Con chưa kịp quen hơi cha, anh lại nhận quyết định sang chiến trường K, để chị một mình với bao nỗi lo toan: vừa làm cha vừa làm mẹ không chỉ cho cu Tí mà còn cả bé Ti. Nhưng chị vẫn phấn đấu hết mình, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, để trở thành phó giám đốc bệnh viện tỉnh.


Sau 5 năm biền biệt, anh được phân công về phụ trách một đơn vị quân đội tại một xã miền núi, cách nơi chị công tác gần 200 cây số. Trong chiến tranh xa nhau đã đành. Nay hòa bình rồi, chẳng lẽ vợ chồng vẫn phải đôi nơi ? Đắn đo mãi, chị chấp nhận từ bỏ chức vụ phó giám đốc bệnh viện tỉnh, về nhận công tác tại trung tâm y tế huyện. Từ đó, những buổi chiều thứ Bảy, anh được về nhà với vợ con, được dang tay ôm cu Tí và bé Ti vào lòng, khi 2 đứa chạy ra tận đầu ngõ chờ ba từ rất sớm…


Những buổi chiều thứ Bảy luôn được cả nhà háo hức chào đón. Bên mâm cơm được chị chuẩn bị chu đáo, cu Tí và bé Ti tranh nhau kể chuyện trường lớp. Chị ngồi cạnh nồi cơm, im lặng lắng nghe với ánh mắt rạng ngời. Chưa bao giờ anh cảm nhận được giá trị của hạnh phúc lại đơn giản mà ngọt ngào đến thế.


Mấy năm sau, anh về hưu. Thời gian đầu, anh vui lắm, hết đi thăm bạn bè lại sang hàng xóm nói chuyện gẫu. Nhưng rồi, anh bắt đầu cảm thấy buồn chán khi chị đi làm, các con đi học. Một lần, có mấy người quen đến chơi, họ là những nhà doanh nghiệp nên nói về chuyện kinh doanh, buôn bán, lời, lỗ… rất sành sỏi. Họ biết anh, dù về hưu, nhưng vẫn có uy tín ở địa phương nên rủ anh cùng hùn vốn làm ăn.


Dạo đó, các con đã lớn, cần nhiều khoản chi tiêu nên anh biết gia đình đang rất khó khăn. Nghe họ bàn bạc hay quá, anh hăng hái chấp nhận. Nghe xong quyết định của anh, chị hết lời can ngăn: “Cả đời cầm súng, anh đâu biết kinh doanh, buôn bán gì?”. Anh cười đầy tự tin: “Không biết thì học. Rồi em xem, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ giàu”.


Ngăn cản không thành, chị đành đem hết tiền dành dụm đưa anh “đi buôn”. Nghe theo tư vấn, anh lên Buôn Mê Thuột thu mua cà phê đem về bán cho các cơ sở chế biến. Mấy chuyến đầu khá thành công. Đưa chị những đồng tiền lãi đầu tiên, anh hí hửng: “Em thấy chưa, ngon hơn hẳn nghề “chích thuốc dạo” của em nhiều”.


Chẳng là, để tăng thu nhập, chị làm thêm dịch vụ y tế ngoài giờ. Song, tiền thu được chẳng bao nhiêu vì người dân ở đây quá nghèo, đến nỗi đôi khi chị còn không lấy tiền thuốc của họ. Nhưng hễ có ai kêu, dù nửa đêm gà gáy, chị cũng vùng dậy, xách túi thuốc đi liền nên anh hay trêu chị làm nghề “chích thuốc dạo”.


Hăng hái với thành công bước đầu, anh gom hết vốn liếng, vay thêm của họ hàng một số tiền lớn, định làm một chuyến thật “ngon” để có tiền sửa sang nhà cửa, xây cho chị một chỗ khám bệnh đàng hoàng, giống như những phòng mạch trên phố. Song, do chủ quan và cả tin, anh bị ngay một cú lừa: Những xe hàng chỉ có lớp trên là cà phê, bên dưới là bắp hột, loại bắp của những mùa trước bị sâu mọt, biến chất. Không chỉ mất sạch tiền, anh còn bị đối tác dọa sẽ kiện ra tòa vì tội lừa đảo. Những người cho mượn tiền kéo đến nhà, ráo riết đòi nợ. Bất lực, tuyệt vọng, bế tắc… anh suy sụp hoàn toàn. Chính lúc đó, chị đã đưa tấm thân mảnh mai của mình ra làm lá chắn cho anh. Chị tìm đến các chủ nợ, năn nỉ xin khất, hứa sẽ trả hết nợ và lãi trong vòng 1 tháng. Tiếp đó, chị cùng anh lên Buôn Mê Thuột gặp các cơ quan chức năng nhờ giải quyết. Những cựu chiến binh trên đó đã hết lòng giúp đỡ anh, để rồi, sau một thời gian vào cuộc, những kẻ lừa đảo bị trừng trị thích đáng. Số tiền được hoàn lại giúp chị trả hết những món nợ và còn dư một ít để chị giải quyết “việc làm” cho anh bằng một đàn gà trăm con và chục con heo thịt.


Riêng chị, với tay nghề của một bác sĩ chiến trường, được mời làm chuyên gia cho một phòng khám tư tại trung tâm huyện với thu nhập ổn định.


Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, chị cười: “Vậy đó! Làm vợ lính tuy vất vả nhưng cũng rất hạnh phúc mấy em à”. Rồi chị quay sang nhìn anh bằng ánh mắt âu yếm.



. Truyện ngắn của Trần Thị Duy Thảo