Năm 1999, Lưu Cẩm Vân in cuốn sách đầu tiên. Đó là tập truyện Hoa sứ về đâu do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Đến nay, chị đã có 8 đầu sách. Như tiếp nối cuốn thứ 7 in năm 2016 Những nẻo đường hoa (Nhà xuất bản Trẻ), năm 2018, chị ra mắt tập truyện thứ 8: Đường về hoa cúc do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Năm 1999, Lưu Cẩm Vân in cuốn sách đầu tiên. Đó là tập truyện Hoa sứ về đâu do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Đến nay, chị đã có 8 đầu sách. Như tiếp nối cuốn thứ 7 in năm 2016 Những nẻo đường hoa (Nhà xuất bản Trẻ), năm 2018, chị ra mắt tập truyện thứ 8: Đường về hoa cúc do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Lưu Cẩm Vân sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, là cô giáo dạy văn với biết bao nhiêu kỷ niệm khi đứng trên bục giảng. Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, chị không còn đứng trên bục giảng, nhưng tình yêu với nghề dạy học thấm đẫm trong từng câu văn của chị. Chị vẫn thường đi đây đó, từ Bắc đến Nam, những chuyến đi lắng đọng phận người ấy chị đều đưa vào truyện. Lưu Cẩm Vân giống như một người ghi chép, lẳng lặng quan sát, lẳng lặng lắng nghe, rồi với nét tinh tế của ngòi bút, những nhân vật của chị vào trang sách, buồn vui, hạnh phúc. Những ghi chép tinh tế ấy khiến cho người đọc có cảm giác như chị đang nói về mình, và khi đã đọc thì đọc cho hết truyện. Vốn dĩ là một người vợ, người mẹ, chị nhìn đời qua một lăng kính dịu dàng, nhân hậu thứ tha. Nhân vật của chị không hằn học cuộc đời, dẫu có bao nhiêu trắc trở. Tất cả dù sống trong hoàn cảnh nào đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, đó là điều chị muốn gởi gắm đến độc giả.
Đường về hoa cúc gồm những câu chuyện chị viết trong 10 năm qua. “Mọi điều đã cũ” là câu chuyện có bối cảnh một quán cà phê, hai người từng yêu nhau, gặp nhau và có những điều xa lắc bỗng ồn ào trở mình như sóng trào. “Mưa tạnh rồi thì thôi” lại kể câu chuyện một cô gái quê lấy chồng Hàn Quốc, trở về mang theo một đứa bé gái lai khiến người ta tò mò. Nhưng lâu rồi người ta cũng hết bàn tán, to nhỏ. “Cuộc đời vốn thế, người ta quen dần với mọi sự thay đổi, như quen một cơn mưa bất thường giữa mùa hè. Mưa tạnh rồi thì thôi, có gì đâu”. Lưu Cẩm Vân cứ nhẩn nha câu chữ của mình như thế, và người đọc chợt buốt lòng nhận ra những mảng sáng tối vô chừng đã và đang quanh ta đang hiện ra trước mắt khi cầm trên tay cuốn sách. Để chỉ một lá thư gởi qua bưu điện cũng làm cho ta nhớ về: “Nghe người đưa thư gọi cửa mà bỗng thấy mình trẻ lại như hồi mười tám đôi mươi, ngày ngày hồi hộp đợi thư của cô bạn gái đầu đời. Hôm nay thì không nhận được thư tình, đó là một tấm thiệp cưới, tấm thiệp màu nâu, thiết kế rất sang trọng” (Nơi đó một dòng sông).
Trong bộn bề của cuộc sống này, có khi ta muốn thoát ra trong phút chốc nào đó giữa tất bật áo cơm, giữa tiếng còi xe náo nhiệt. Và ta gặp ở những trang sách ấy sự bình an đến lạ. Sự bình an như cô con gái lấy chồng xa, leo lên chuyến tàu cuối năm, về nhà mình, đường về ấy là “đường về có hoa cúc nở”, và cô “sẽ về nhà như một món quà bất ngờ cho ba mẹ”…
Khuê Việt Trường