Mùa này, ai cũng túa ra biển, sáng trưa chiều tối, dân sở tại lẫn khách du lịch lớp lớp chen nhau. Bạn rủ chiều chiều mang cơm nước ra bãi cát ăn uống rồi nằm khểnh ngắm trăng, hóng gió....
Mùa này, ai cũng túa ra biển, sáng trưa chiều tối, dân sở tại lẫn khách du lịch lớp lớp chen nhau. Bạn rủ chiều chiều mang cơm nước ra bãi cát ăn uống rồi nằm khểnh ngắm trăng, hóng gió. Thiệt ra, đông thì đông vậy nhưng giành một chỗ bằng mấy vuông chiếu trên bãi cát làm lãnh địa riêng của mình không phải là bất khả thi. Ngửa mặt nhìn trời đêm thăm thẳm, dưới lưng là cát mịn ấm ôm ấp, gió mát lành miên man, lâng lâng không nhớ mình là ai, mặc kệ nam thanh nữ tú qua lại.
Thấy mình như trẻ nhỏ. Tuổi thơ của người phố biển nào cũng lưu giữ trong ký ức khoảnh khắc thần tiên ấy, khi được hòa mình vào trời mây nước cát. Cứ chiều lại là nhà nhà cơm đùm nước xách, cuốn theo cái chiếu, tấm bạt, lùa con nít đi bộ tà tà xuống biển. Bãi biển ngày ấy sao mà hiền lành đơn sơ, rộng mở thênh thang, từ xa xa đã nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, ù té chạy xuống bãi ngả nào cũng được. Mang cái gì ra biển ăn cũng ngon. Má tôi hay ịn chặt cơm nóng vô mấy lon sữa guigoz, thêm ít đồ kho mặn, cả bầy con chạy nhảy, lăn lộn xong bu lại ăn như chết đói.
Tới thời lận đận lao đao, biển cũng tang thương theo những chuyến tàu vô vọng, người cũng dần lãng quên những giây phút êm đềm. Thời thiếu nữ của tôi, biển đêm luôn đồng lõa với những bí mật cần che giấu, của những thân phận không bình yên. Trừ những đêm trăng sáng, bãi biển ngày ấy khi đêm về mang trong lòng nó bao nhiêu bí ẩn phận đời.
Hồi đó, tôi sống trong một khu dân cư lao động chật hẹp, ăn bữa sáng lo bữa tối, nhà nọ nhìn thấu nhà kia, vách ván ép mỏng te thì thầm cũng còn bị nghe lọt. Vui thì cũng có vui nhưng dăm bữa nửa tháng là cãi nhau, rượt nhau chạy vòng vòng. Có khi chỉ là vì mất đâu lẻ củi, phơi đồ choán hàng rào hay ai đó dựng xe đạp lấn lối đi chung. Nhưng đó là chuyện hết sức bình thường ở một giai đoạn mà con người ta chỉ cần ăn để sống qua ngày.
Trong số cư dân lầm than đó có mấy cô gái làm nghề bán phấn buôn hương. Có cô mang theo đứa con mới hơn một tuổi. Cô thì có cả ông chồng kiêm luôn xe ôm đưa đón. Có cô theo đạo, Chủ nhật nào cũng thành kính đi lễ. Họ đều giống nhau ở chỗ xa quê, tàn tạ và chăm chỉ làm việc. Đều đặn, cứ chạng vạng tối là tô đắp xanh đỏ dày cui lên mặt, váy áo tươm tất, xài chung một loại nước hoa vừa nồng vừa khét, rồi xách giỏ âm thầm ra khỏi nhà trực chỉ bãi biển quen thuộc đến quá nửa đêm mới về. Trong cái giỏ ấy nhất thiết phải có tấm vải nhựa trải đủ chỗ nằm trên cát. Những đêm trăng sáng hay mưa to gió lớn, họ nằm nhà, vêu vao vì thất nghiệp. Cũng có khi họ biến mất không tăm tích ít hôm, rồi quay về với chút ít thương tích trên người. Sau mới biết mấy chị bị càn quét và liều mạng trèo rào trốn trại. Rồi lại tiếp tục mưu sinh như cũ. Biển có khóc cho những người đàn bà bám bãi cát hàng đêm?
Biển đêm bây giờ sáng choang từ đầu bãi tới cuối bãi, người kìn kịt như trẩy hội, xe cộ chật cứng, rộn ràng âm thanh mùi vị. Tuy nhiên, nhắm mắt lại, dường như tôi vẫn có một góc vắng cho riêng mình.
ÁI DUY