Dạo này con gái thấy mình cứ hay cằn nhằn, nhăn nhó mà không rõ tại sao, cứ như buồn bực ở đâu ngoài kia cứ theo mình về nhà. Mà lại hay cằn nhằn với má. Toàn những chuyện vụn vặt, cỏn con. Từ chuyện sao má ngày nào cũng mấy bận quét sân, quét cổng, sạch trơn à có gì đâu mà quét.
Dạo này con gái thấy mình cứ hay cằn nhằn, nhăn nhó mà không rõ tại sao, cứ như buồn bực ở đâu ngoài kia cứ theo mình về nhà. Mà lại hay cằn nhằn với má. Toàn những chuyện vụn vặt, cỏn con. Từ chuyện sao má ngày nào cũng mấy bận quét sân, quét cổng, sạch trơn à có gì đâu mà quét. Rồi mấy cái giẻ lau trong nhà, xài lâu thì bỏ đi, lấy cái mới ra dùng, chứ má giặt chi hoài cho cực. Đồ ăn nhà còn thừa thì bỏ thùng rác, má cất công chi mang ra cái thạp cuối hẻm bên kia, heo ăn thức thiu đấy thì thịt sao ngon nổi. Mấy chậu cây trước cổng ấy, chỉ cần tưới nước là đủ rồi, má đâu cần phủ gốc rau, hay xin rơm ở đâu về phủ lên trên, trông nhếch nha nhếch nhác. Còn nữa, ban ngày má coi ti vi cũng phải bật điện chớ, biểu sao không chảy nước mắt. Mấy tờ báo đó ra hàng ngày, đọc xong rồi thôi, má cất chi trong hộc tủ cho chật nhà.
Lại có sáng cà kê với bạn ở quán cà phê quên giờ giấc, về đến nhà cũng đã trưa trầy trưa trật, vậy mà thấy má ngồi bên mâm cơm vẫn đậy lồng bàn, canh kệ nguyên si, lại cằn nhằn sao má không ăn cho đúng bữa, chờ con làm chi. Rồi thấy mình vô lý dễ sợ.
Hay như sáng nay, chở má đến phường lĩnh lương hưu, dặn con đi chợ, khi nào xong má gọi điện con đến chở về. Đi chợ xong xuôi chưa thấy má gọi nên lại chạy về nhà cơm nước. Tưởng người ta đến lĩnh lương đông, má phải chờ lâu mới đến lượt mình. Ấy vậy mà đang nhặt rau thì thấy má gọi mở cổng. Lại cằn nhằn sao không gọi con ra chở, đi bộ nắng, hơn cây số chứ ít đâu, lại đau cái chân, lại đi bóp thuốc. Má cười hề, biểu má men theo bóng cây ở vỉa hè mà đi, cứ lững thững rồi cũng về đến nhà, nắng đâu đến người. Nghe má nói mà hết biết!
Rồi thấy má cũng thiệt hiền, thiệt dễ tính, và thật thà quá đỗi. Hiền và dễ tính nên con gái cằn nhằn cỡ nào, má cũng chẳng trách chi. Hiền như hôm bữa Tết nào kêu xích lô chở về nhà chậu cúc chưng Tết, con gái trả tiền công chở rồi, má lại trả thêm 50.000 đồng nữa. Vậy là ông xích lô được trả công 2 lần cho 1 chậu cúc. Má thật thà như bữa đi siêu thị, nhờ má gọi giùm taxi, vì đồ mua về nhiều quá, chở không nổi, con gái khệ nệ xách đồ từ xa thấy má đi đến từng chiếc xe đậu trước cửa siêu thị hỏi mà sững cả người: má không biết đâu là taxi, đâu là xe của khách cũng đi siêu thị như má!
Vậy chớ lần nào cằn nhằn việc gì là y như rằng má cũng có lý do cho việc mình làm. Kiểu như má bảo đất cũng như cây, phải chăm bón mới tốt. Gốc rau, rơm rạ ủ mấy bữa thành phân hữu cơ chứ đâu, cho đất tơi xốp. Con không thấy nhờ đó mà chậu bông trang ra cả chục bông đỏ thắm à. Bữa má cắt mấy bông cắm bình cúng rằm. Rồi người ta có nghèo khó mới đặt cái lu thạp ở góc đó, thức ăn thừa cho heo ăn đỡ phí hơn đổ bỏ. Hay tờ báo này nọ có bài hay, má chưa đọc kịp, để bữa sau đọc tiếp, chứ bán đồng nát được mấy đồng, nhỡ khi mấy đứa cháu làm kế hoạch nhỏ thì biết gom đâu ra...
Kể sao cho hết cái lý của má, những cái lý có sai chút nào đâu.
Nhưng lạ nhen, mỗi chiều đi làm về, bước vào nhà, cất tiếng đầu tiên cũng là má ơi, má à, má ăn cơm chưa. Có bữa về không thấy chiếc xe đạp ở sân đâu, đoán là má lại ra chợ chiều hay đi sửa mấy bộ quần áo cũ. Hễ má đi ra đường là lại thấy lo. Lo ở buổi nhá nhem tối, cái tuổi 70 mắt đã kèm nhèm, tai đã lang lãng, xe du lịch, xe tải, xe bồn chạy đầy đường mà má cứ chầm chậm bàn đạp, đèn xe chẳng có, còi xe cũng không. Đến khi má về lòng dạ mới yên. Bữa Tết vừa rồi, đi chơi về thấy cửa nhà im ỉm, xe đạp ở sân mà chẳng biết má đi đâu, má lại quên cầm theo điện thoại khiến mấy cha con hết lên nhà rồi xuống bếp, hết ở trong nhà rồi ra ngoài cổng ngóng, bởi má chẳng đi đâu lâu đến thế, lại là ngày Tết. Vậy mà xịch một cái, có chiếc xe con dừng trước cổng, má bước xuống trông rất hớn hở. Thì ra mấy bà bạn cùng làm hồi xưa đến chúc Tết rồi rủ má đến nhà người bạn ở khu đô thị nào đó chơi. Nhìn má vui, huyên thuyên kể chuyện gặp ông này bà kia mà chợt nhận ra, thì ra mình không quen cái cảm giác đi đâu về không thấy má ở nhà. Dù rằng má có ở nhà, có cận kề bên thì chừng như con gái má cũng không thôi hết cằn nhằn, những lời cằn nhằn luôn át cả lời yêu thương.
Vậy nhưng, bên má, với con gái, luôn là một cảm giác thật bình yên.
B.T