11:06, 22/06/2018

Ngọn hải đăng

Mới sáng sớm, bà Han đã không thấy chồng đâu. Bà đi tìm thì thấy ông Bão đang ngồi phía bờ cát, dựa lưng vào chiếc mủng hướng ra phía biển.

Mới sáng sớm, bà Han đã không thấy chồng đâu. Bà đi tìm thì thấy ông Bão đang ngồi phía bờ cát, dựa lưng vào chiếc mủng hướng ra phía biển. Chiều đến, ông lại ra, cứ ngồi như vậy cho đến tận tối mịt, thằng cháu ra gọi về ăn cơm, ông mới miễn cưỡng đứng dậy ra về. Mới có nghỉ việc mấy tháng nay mà ông Bão đã thấy nhớ tiếng sóng biển, nhớ nơi ấy đến cồn cào. Cứ rảnh là ông ra biển ngồi. Ông có thể ngồi cả ngày ở đó. Có khi mệt quá, ông gối đầu lên chiếc mủng thiêm thiếp ngủ. Gió ở rặng dừa mát rượi, sóng ào ạt xô bờ rồi tan nhanh trên cát.


Ông Bão làm ở trạm hải đăng đó từ thời trai trẻ, đến nay đã tròn ba mươi năm. Ông đã đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng nếu như không vì đau bệnh, phải vào đất liền để tiện cho việc chữa trị thì ông còn nấn ná ở lại với quân dân trên đảo một thời gian. Sống và làm việc ở đó gần nửa đời người, ông coi đó như nhà của mình vậy. Ngày còn làm ở trạm, nhiều lúc cũng nhớ vợ con, nhớ mấy đứa cháu lắm, nhưng về chơi được mấy ngày, ông lại bồn chồn, mong nhanh ra đảo với anh em. Có đêm ngủ ở nhà, quen giấc canh ngoài đảo, ông lại tỉnh dậy, đi lại một hồi rồi mới vào giường nằm mà trằn trọc. Đời người gác hải đăng, xa nhà, nỗi khổ lớn nhất là nhớ thương gia đình, nhưng ông luôn tự động viên mình bằng những niềm vui trong nhiệm vụ.


* * *


... Nằm ở giữa biển khơi, xung quanh có biết bao đảo chìm, đảo nổi, trạm hải đăng nơi Bão làm việc thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là những khi gió bão. Biển động dữ dội, sóng quất liên tục vào ghành đá. Đứng trên đỉnh tháp canh, Bão tưởng như sóng chồm lên ngang trước mặt mình. Mưa táp vào rát mặt, cay xè đôi mắt. Bão vừa đưa tay vuốt nước mưa vừa đưa ánh đèn pha dõi ra xa trên biển. Dù thế nào cũng không được lơ là nhiệm vụ, nhất là những lúc thời tiết xấu như thế này. Ánh sáng trên ngọn hải đăng cần được duy trì chớp trắng liên tục để ngư dân trên biển biết được luồng tàu vào tránh bão. Cũng nhờ vậy mà khi mưa bão bất chợt, nhiều tàu thuyền không kịp trở vào đất liền, cũng có thể tìm được chỗ an toàn, chờ cho qua cơn giông gió lại tiếp tục công việc đánh bắt.


- Báo cáo chỉ huy, có tín hiệu cầu cứu phía tây nam của đảo.


Anh em trong trạm họp khẩn cấp, phân chia người ở lại tháp canh, giữ cho ánh sáng trên ngọn hải đăng không bị tắt, người thì xuống xuồng tìm kiếm thuyền bị nạn. Bão và các đồng chí của mình mang theo gạo và nước ngọt lên hai chiếc xuồng băng đi trong giông bão. Mưa mịt mùng, sóng gió chồm lên, chòng chành. Bão cố đứng vững trên mũi xuồng, căng mắt nhìn qua ống nhòm trong làn mưa tối.


- Kia rồi! Thấy họ rồi anh em ơi!


Bão reo lên sung sướng. Tự nhiên nước mắt anh trào ra. Đội cứu hộ nhanh chóng đưa xuồng tiếp cận chiếc thuyền bị nạn. Trong giông gió, anh dường như đang nghe thấy tiếng reo vui sung sướng của các ngư dân trên thuyền, họ cố gắng gọi thật to, lia ánh đèn yếu ớt về phía các anh. Khi Bão cùng đồng đội kéo được chiếc thuyền bị hỏng máy về đảo an toàn, mười mấy ngư dân trên thuyền ôm chầm lấy nhau, họ cười lớn khi những giọt nước mắt đang lăn dài: “Sống rồi, chúng ta sống rồi”. Rồi họ nắm chặt tay Bão và anh em ở trạm hải đăng, ánh mắt ánh lên niềm biết ơn và hạnh phúc. Lúc đó, Bão chẳng còn để ý đến cái lạnh đang ngấm dần vào da thịt, mọi sự mệt mỏi khi phải vượt trùng trùng mưa bão trên biển khơi đều tiêu tan, trong anh lúc đó chỉ còn niềm vui sướng khi tất cả mọi người đều về đến nơi trú an toàn.


* * *


- Ông ơi, ông nhìn gì ngoài đó ạ?


Thằng cháu nhỏ nhẹ nhàng ngồi xuống bên ông Bão, nhẹ hỏi. Ông vẫn hướng mắt ra biển, dõi theo những con sóng chiều đang xô mạnh vào bờ. Ông nói với cháu mà như đang thì thầm với chính mình:


- Mùa mưa lại sắp đến rồi. Ngoài đó bao chuyện phải lo.


- Ngoài trạm phải không ông?


Thằng bé mới mười tuổi tròn xoe mắt nhìn ông. Nó thích ngồi nghe ông kể chuyện ngoài đảo, chuyện trên ngọn hải đăng. Cứ đến mùa mưa bão, anh em chiến sĩ ở trạm gặp không ít khó khăn. Lương thực tiếp tế từ đất liền không ra được, mọi thứ cạn kiệt dần, ngay cả những thứ thiết yếu nhất như: gạo, mắm muối cũng hết. Lúc đó với vai trò là trạm trưởng trạm hải đăng, ông Bão luôn động viên anh em vững chí, cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Mọi người cùng nhau chia từng miếng ăn, ngụm nước uống. Chính tinh thần đó đã giúp cả trạm giữ mãi cho ngọn hải đăng luôn được thắp sáng giữa biển khơi. Sau bữa đó, ông quyết định vận động anh em tăng gia sản xuất, trồng rau xanh trong bồn, nuôi thêm con gà, con heo. Mặc dù điều kiện tăng gia không hề thuận lợi, nhất là những tháng trời ít mưa, nhưng mọi người luôn cố gắng. Cuộc sống của anh em cán bộ chiến sĩ ở trạm cũng được cải thiện phần nào. Đặc biệt những lúc thời tiết xấu, gió bão kéo dài, tàu tiếp tế ở đất liền không ra được thì anh em cũng không sợ bị đói. Những ngày cuối cùng ở đây, ông dành thời gian để sửa chữa lại phần mái đã xuống cấp của trạm hải đăng - điều mà ông đã trăn trở bao lâu nay. Do phần mái đã hư hỏng nhiều, nước mưa được hứng dùng cho ăn uống và sinh hoạt luôn bị đóng cặn sắt hoen gỉ. Ông cũng cẩn thận căn dặn các chiến sĩ trẻ:


- Ngọn hải đăng chính là con mắt của biển. Các cậu hãy nhớ, đừng bao giờ để mắt biển tắt, bất kể thời tiết, bất kể ngày đêm. Ánh sáng mà chúng ta duy trì, gìn giữ chính là tín hiệu để tàu thuyền yên tâm đi lại hoạt động trên biển.


Buổi sáng trước khi theo tàu trở về đất liền, ông dậy thật sớm trèo lên ngọn hải đăng. Trên mặt biển, mấy chú chim hải âu chao qua chao lại kiếm mồi. Sóng biển rào rào xô vào ghành đá, bọt tung trắng xóa. Ba mươi năm làm nghề gác “đèn thiêng” trên biển, ông coi nơi này như nhà của mình, nên bên cạnh niềm vui khi sắp được trở về đoàn tụ hẳn với gia đình, người thân, ông lại có cảm giác hụt hẫng, lưu luyến. Không biết đến bao giờ mới có dịp trở lại nơi đây. Ông cứ đứng mãi trên ngọn canh mà nhìn vô định vào mặt biển bao la cho đến khi tiếng còi tàu báo hiệu giờ khởi hành.


Thằng bé sà vào lòng ông thủ thỉ:


- Ông ơi, sau này lớn lên cháu cũng muốn được như ông, trở thành người giữ mắt biển. Canh hải đăng có khó không ông?


- Chỉ cần cháu có tình yêu đối với biển, với những ngư dân thì không có gì là khó cả.


 Ông xoa đầu thằng bé, rồi đứng dậy:


- Ta về thôi, trời sắp tối rồi.


Ngoài kia, đèn hải đăng vẫn sáng.


. Truyện ngắn của Lê Phượng