"Hãy miêu tả người mẹ yêu quý của em!". Đề chỉ có vậy, ngắn gọn, được cô giáo cho về nhà làm, đến giờ tập làm văn lần sau sẽ nộp.
“Hãy miêu tả người mẹ yêu quý của em!”. Đề chỉ có vậy, ngắn gọn, được cô giáo cho về nhà làm, đến giờ tập làm văn lần sau sẽ nộp. “Tưởng đề khó, chứ viết về mẹ thì quá dễ, không phải nghĩ ngợi gì nhiều cũng có thể làm được!”. Bé Thư, đứa bạn ngồi cạnh vừa nói với Huyền My, vừa gấp cuốn vở bỏ vào cặp. Huyền My nhìn bạn cười nhưng trong lòng bắt đầu lo.
Cũng từ đó, nỗi lo không chỉ kéo dài trong một giờ mà suốt cả mấy ngày. Sao cô không ra đề tả một bác nông dân hay một anh công nhân, như vậy có dễ cho mình không chứ? Mẹ! Mà mẹ thì tả thế nào đây?
Hỏi ai bây giờ? Huyền My không muốn các bạn nói mình phịa, vì trong lớp có mấy đứa biết My không có mẹ, sống ở chùa, do sư bà Diệu Nguyện nuôi. Hay mình tả bà thay cho mẹ? Càng không được, sư già rồi, mà là sư thì làm sao có con được? Phải chi mình có mẹ ở gần như mấy đứa thì sướng biết bao! Hay là chỉ gặp mẹ một lần thôi cũng được. Một lần để hình dung mẹ là ai, như thế nào, rồi tưởng tượng…
Nhưng mẹ ở đâu? Hồi còn quá bé, Huyền My chưa hề hình dung đến chuyện mình có mẹ, có cha hay không. Em chỉ biết, những người thân thiết quanh mình là sư bà cũng như một số ni cô và những cô, dì hàng ngày lui tới chùa, nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc em cùng các bạn nhỏ như em. Nhưng từ khi bắt đầu vào học lớp hai, My nhận ra mình không có mẹ, có cha như các bạn cùng lớp. Một lần, My mang chuyện này hỏi một ni cô. Ni cô bảo: “Con có mẹ và cha chứ sao không. Cha mẹ con đi làm xa, sau này sẽ về đón con! Nhưng từ nay không được nói chuyện này với bất cứ ai nghe chưa! Sư bà mà nghe được sẽ la đó!”. Nhìn khuôn mặt nghiêm nghị của ni cô, My cố gắng chịu đựng.
Chùa Nghĩa Đức, nơi My sinh sống nằm ở ven một thị trấn, phía trước là cánh đồng rộng và xa xa là một dãy núi xanh thẳm. Tuy được nhiều bà con chung quanh thay phiên nhau, hàng ngày đến giúp đỡ để cùng với sư bà và các ni cô chăm sóc đám nhỏ, nhưng ai nấy lúc nào cũng bận rộn. Do đó, khi lớn thêm một chút, lúc đi học về, My phải cùng góp tay vào để lo cho các em. Những lúc rảnh, em thường ra ngồi trên khối đá dưới bóng cây bồ đề ở cổng chùa, đưa mắt nhìn ra cánh đồng và dãy núi phía xa. Em hy vọng, biết đâu từ con đường nhỏ băng qua cánh đồng, mẹ sẽ đi về phía chùa để tìm em. Có đêm, em nằm mơ, thấy mẹ mình bị con đại bàng bắt vào nhốt trên dãy núi cao và được chàng hiệp sĩ cứu, mang về y như trong chuyện Thạch Sanh mà em đã đọc từ lâu. Em mừng, em khóc, ôm lấy mẹ. Hóa ra, khi thức giấc, em mới biết mình ngủ mơ. Sáng ra, đi học, nhìn lên dãy núi đầy mây trắng, em buồn, nhưng vài ngày sau, lại nuôi trong lòng một hy vọng mới.
* * *
“Hãy miêu tả người mẹ yêu quý của em!”. Trước đây, khi có đề tập làm văn, Huyền My không phải mất thời gian nhiều để nghĩ ngợi. Còn lần này, đã vào học lớp 5, vậy mà sau ba ngày trôi qua, em vẫn chưa viết chữ nào, trong khi ngày mai phải nộp bài cho cô. Không, không thể không làm bài. Buổi tối, em quyết định bằng mọi giá phải tập trung cho bài văn. Dưới ánh đèn của khu nhà ăn nằm sau chùa, em lấy giấy bút ra. “Không có mẹ thì mình sẽ tả sư bà”. Em nghĩ rồi cặm cụi viết: “Em không có mẹ. Mẹ nuôi em là một sư bà. Đó là sư bà Diệu Nguyện ở chùa Nghĩa Đức. Năm nay sư bà đã gần tám mươi tuổi rồi…”. Sau đoạn mở đầu, cùng với việc miêu tả hình dáng sư bà, em kể bao nhiêu chuyện mà bà đã làm, đã nuôi nấng, chăm sóc đám trẻ nhỏ trong chùa. Nào những ngày thiếu ăn, sư bà phải đi vận động khắp nơi xin tiền, xin gạo. Nào là chuyện giữa những đêm mưa, bà thức dậy xem Huyền My và các em nhỏ có lạnh không. Mấy em nhỏ có khi tiểu ướt cả áo bà nhưng bà chẳng giận, chẳng la rầy…
Sáng hôm sau lên lớp, nộp bài cho cô xong, Huyền My rất lo lắng, không biết khi chấm bài cô có trách mắng mình không. Em lại chờ trong nỗi lo. Rồi nỗi lo ấy càng nhân lên gấp nhiều lần khi bài tập làm văn chưa phát ra, nhưng vào một buổi học, khi lớp tan, cô giáo bảo Huyền My ở lại để gặp. Mặt em tái đi do sợ. Mình đã vi phạm điều gì hay vì bài tập làm văn của mình? Có thể lắm, ai lại đi gọi sư bà là mẹ!
Nhưng Huyền My thấy yên tâm dần, vì khi trong phòng chỉ còn lại hai người, ngồi xuống bên em, cô giáo cười rất hiền rồi hỏi:
- Em sống ở chùa à? Mới nhận lớp, được cô giáo cũ bàn giao, nhưng bận quá nên cô chưa kịp tìm hiểu hoàn cảnh của từng em…
- Dạ! - Huyền My đáp, rồi trong lúc bối rối, bất chợt khóc òa. Một lát, em nói trong nước mắt - Cô ơi! Em không có mẹ, không biết tả thế nào nên tả sư bà…
- Ồ, không sao, không sao! Bài văn của em viết rất tốt! - Giọng cô giáo cũng chùng xuống. Cô xoa đầu đứa học trò nhỏ và nhẹ nhàng hỏi thêm về cuộc sống ở chùa, về sư bà cùng các sư nữ, ni cô.
Trước lúc ra về, Huyền My hỏi cô giáo, liệu em có tìm lại được cha mẹ mình không.
- Có chứ! - Khuôn mặt thoáng trầm ngâm, nhưng rồi nhìn em đầy trìu mến, cô đáp - Không ít trường hợp như em đã được cha mẹ đến tìm và đưa về! Em cố học cho giỏi, biết chừng đâu sẽ có một ngày…
Mấy chữ “có chứ, biết chừng đâu” của cô giáo làm cho Huyền My vui sướng. Đêm hôm ấy, trong mơ, em bất ngờ thấy mình bay được. Thân hình em trở nên nhẹ nhàng đến kỳ lạ, và đôi tay đã thành đôi cánh, nâng em lên khỏi mặt đất một cách dễ dàng. Em thấy mình bay trên cánh đồng, bay qua các sườn đồi đầy cây lá, sông suối, rồi gọi: “Mẹ ơi! Cha ơi! Con ở đây!”.
. Truyện ngắn của Hoàng Nhật