Tháng Chạp về rồi. Về trong tiếng lao xao của những thanh âm cuộc sống, trong những nôn nao gọi Tết. Vậy nhưng, chừng như vẫn có người lắng nghe bằng tâm tưởng, như cảm hoài về những tháng Chạp xưa lẩn khuất trong tháng Chạp nay…
Tháng Chạp về rồi. Về trong tiếng lao xao của những thanh âm cuộc sống, trong những nôn nao gọi Tết. Vậy nhưng, chừng như vẫn có người lắng nghe bằng tâm tưởng, như cảm hoài về những tháng Chạp xưa lẩn khuất trong tháng Chạp nay…
Mới đó mà đã hết năm rồi! Người quê tôi thường than như thế và mẹ tôi đôi khi cũng thở dài rồi nói như thế mỗi khi ánh nắng ấm áp của tháng Chạp bắt đầu xuất hiện sau những ngày đông đất trời âm u và mưa dầm dề. Khác với đám trẻ con vui mừng vì tháng Chạp đến đồng nghĩa với Tết đã gần tới, đối với mẹ tôi, đó là thời gian bắt đầu cho sự lo toan, bận rộn nhiều hơn trong năm.
Cùng với cha lo chăm sóc những đám lúa mới sạ ngoài đồng; bận rộn với việc xới cho tơi mảnh đất cuối vườn để gieo các loại rau cho ngày Tết hay đào những đám khoai từ, khoai tím trồng từ gần một năm trước để mang tới chợ bán…, mẹ còn có bao nhiêu việc bận rộn riêng. Nào là mang những bao nếp ra sân hong nắng để mang đi máy, chuẩn bị làm các loại bánh như: bánh tét, bánh nổ, bánh in… Nào phải tính toán cho các khoản nợ nần, các khoản mua sắm Tết như quần áo cho chồng, cho con. Nợ nần không thể để qua năm. Ngày Tết, con người ta có áo mới, chẳng lẽ con mình lùi xùi áo cũ? Mua sắm thứ gì để làm quà cho ông bà nội, ngoại? Hũ muối và lọ nước mắm phải đầy. Rồi nào tiêu, nào hành, nào bao thứ linh tinh không thể thiếu… Tháng Chạp lại là tháng ở làng quê có nhiều đám cưới. Trong làng, trong xã, ai cũng là chỗ thân quen. Thế là mẹ đành phải bớt khoản này, giảm khoản kia.
Phụ nữ nhà quê ai chẳng khắc trong lòng câu thành ngữ “Hạt gạo tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”. Nhưng biết làm sao! Ngoài chuyện lo Tết, mẹ còn trầm tư vì chuyện ra Giêng lấy tiền đâu cho mấy đứa con đi học xa nhà…
Tháng Chạp của mẹ tôi - tháng của nhọc nhằn mà chúng tôi nào hay biết. Với chúng tôi, mỗi năm tháng Chạp về nghĩa là Tết đến; nghĩa là chúng tôi sẽ được mặc quần áo mới, được ăn những món ngon và tung tăng vui chơi với bạn với bè… Nào có biết đâu, theo thời gian những nếp nhăn gánh nặng đã hằn lên trán mẹ vì chỉ mong cho chồng con và người thân hạnh phúc… Có những năm, Tết đến nơi mà mẹ vẫn đi đôi dép đã mòn. Thấy vậy, chúng tôi giục mẹ đi mua, nhưng mẹ chỉ cười: “Thôi, không sao, vẫn còn dùng được. Ra Giêng, tháng rộng ngày dài, lo gì”.
Đã bao tháng Chạp trôi qua. Chúng tôi lớn lên nhưng chẳng đứa nào đong được nỗi vất vả mà mẹ đã âm thầm gánh vác, chỉ biết hết Tết này đến Tết khác, trong nhà luôn rộn tiếng cười. Rồi con cái, đứa lấy vợ, đứa có chồng, lưng mẹ cũng còng dần. Có năm, tôi không về quê được, gần Tết, qua điện thoại, mẹ hỏi: “Vợ chồng các con có thiếu gì không, mẹ gửi?
Hôm qua lên Diên Khánh chơi, thấy đứa con gái của người bạn nắm tay mẹ đòi dẫn ra chợ mua quần áo mới, lòng tôi bỗng bồi hồi. Tôi nhớ ngày xưa, mình cũng như đứa bé kia. Sắp đến Tết, mấy chị em chúng tôi đứa nào cũng chờ mua áo mới, trong khi mẹ biết bao bận rộn. Vì tháng Chạp mà, tháng Chạp ở quê mình có bà mẹ nào lại chẳng có hàng trăm thứ phải lo toan…
ANH NHẬT