1. Hè về! Hè về!
Con tu hú núp trong bụi dúi, kiễng chân cất tiếng gọi bầy. Bầy ve sầu chui lên khỏi mặt đất, kéo chiếc vĩ cầm du dương trên cành phượng trước sân trường đỏ rực màu hoa thắm.
....
1. Hè về! Hè về!
Con tu hú núp trong bụi dúi, kiễng chân cất tiếng gọi bầy. Bầy ve sầu chui lên khỏi mặt đất, kéo chiếc vĩ cầm du dương trên cành phượng trước sân trường đỏ rực màu hoa thắm. Gió Nam như người tình chung thủy (dù chả ai mong ai nhớ) tung bụi mù từ dãy Trường Sơn, để lại hơi nước bên Lào, tràn về mang theo cái hanh hao, khô khốc, sầu người ám ảnh những ai lỡ chọn nơi này làm chốn dung thân. Thiên hạ thèm mưa, như đứa con thơ thèm bầu sữa mẹ, như người đàn bà rồ dại, bỏ chồng, bỏ con đi theo tiếng gọi của trái tim thổn thức rồi lúc nhận ra mình ngu muội lại ngóng trông muốn được trở về, lặng thầm đứng bên kẹt cửa, nhìn con thơ tươi cười trong giấc ngủ à ơi.
Minh họa: Xuân Đinh |
Trời ơi nóng, nóng rạt người. Ai có dịp ghé ngang qua xứ Ninh Hòa đều phải chạnh lòng thầm hỏi, sao người ta có thể chịu đựng nổi cơn nắng bể đầu, đổ lửa trên đường. Chỉ muốn chui vô bóng râm, bụi rậm mà trốn cho bớt nắng hay chạy ù ra sông, ngâm mình dưới vũng nước lèo tèo. Thế mà người dân nơi đây vẫn bám đất bám làng, bám sông, bám chợ để cần mẫn mưu sinh không một tiếng than, chẳng lời oán trách.
Ra chợ Dinh buổi trưa đứng bóng, nắng giữa đỉnh đầu. Màn, mùng, dù, bạt giăng như mắc cửi cũng chẳng làm mắt khỏi nổ đom đóm. Chị bán nước mía ngồi róc rồi xay, đập đá, bỏ ly, gắn ống hút mỏi cả tay mà không kịp bán. Hàng chè đậu đen, đậu xanh, đậu ván lố nhố người đứng chứ chẳng có ghế để ngồi. Ráng uống một ly cho mát rồi về nấu bữa trưa cho chồng con chứ không lại trễ, lại bị càm ràm. Vậy mà đi qua hàng xu xa, xu xáo, chân chẳng chịu rời, tặc lưỡi thèm thuồng, thôi thì dừng lại.
2. Xóm tôi nhỏ nhưng có tới năm nhà làm xu xa. Chiều nào xuống nhà dì Hai Kết thu tiền huê, tôi cũng thấy dì đứng cạnh lò lửa bốc hơi tù mù, quậy thau nước to đùng. Xu xa làm từ rau câu nhỏ xíu như cọng chỉ. Đó là loại rong biển bám vào bãi đá hay lềnh bềnh nổi trên bùn ở cửa sông, cửa biển, vùng nước xà hai. Triều xuống, rau câu nổi lên, người ta xách cây đi cào bỏ vô thúng, lặt sạch rong rêu, lượm hết đất đá, ngâm nước ba bốn lần rồi trải ra thềm xi măng phơi thiệt khô mới đem đi bán. Rau câu rẻ rề nhưng cũng giúp bà con vùng biển có thêm tí đỉnh tiền những ngày nhàn rỗi. Mỗi lần đi ngang qua nhà dì, tôi hay đứng bên hàng rào, hít lấy hít để mùi mặn, tanh nồng của mớ rau câu trước thềm như hít đất trời biển rộng bao la vào vòm ngực rộng.
Trước khi nấu, dì ngâm lại cho sạch rồi bỏ rau câu vô nồi nấu thiệt nhừ, trộn thêm nước me ngâm bỏ hột để nó mau mềm và chút nữa nhanh đông cứng. Rau câu nhừ, dì lấy ca sắt múc đổ vô túi vải treo lủng lẳng trên trần nhà, cầm hai cây đòn vắt tréo lọc nước chảy xuống thau nhựa bên dưới. Đầy thau, dì đem bỏ vô góc nhà, khoảng ba tiếng nó nguội, đông lại, thành xu xa có màu trắng đục, mềm, mát lạnh. Cả đời gắn với nghề nấu xu xa, dì biết ước chừng liều lượng, làm mười nhã như một, lúc nào cũng đông hết.
Rau câu chân vịt cũng là rong biển nhưng cọng lớn và hiếm hơn rau câu thường, có màu trắng ngà, dính chặt vào nhau y như màng chân vịt, bám trên đá ngoài biển. Hái về, ngâm sạch, bỏ mảnh sò, vỏ ốc bám dính dưới chân. Càng ngâm càng trắng và giòn. Vào mùa, chợ bán đầy rau cau tươi khá rẻ. Hết mùa, chỉ có rau khô, một ký mấy trăm ngàn, ngâm nước một hồi nở ra, một lạng thành nửa ký. Đổ rau câu chân vịt vô xoong, chế ít nước lạnh, để lửa nhỏ nấu cho chất nhớt chảy ra sền sệt. Cho đường cát trắng vào, chờ đường tan và nước sôi thêm lần nữa, trộn gừng giã nhuyễn, bắc xuống, múc vô chén để nguội rồi đem bỏ tủ lạnh. Lúc ăn vừa dẻo vừa ngọt, ăn rất mát.
Cây sương sâm (ở đây gọi là song nam) mọc đầy hàng rào, trên đường ray xe lửa. Lá nõn xanh, mát mắt. Làm song nam rất dễ, cứ vò nát lá cho ra nhớt, hòa nước lạnh rồi bỏ vô túi vải lọc kỹ, trộn với nang mực giã nhuyễn cho mau đông. Để vài tiếng, song nam đông lại, xanh thẫm, bồng bồng, mềm hơn xu xa, thơm mùi lá biếc. Song nam phải ăn liền trong ngày, để lâu nó ra nước. Giờ ít ai hái lá về vò, cứ ra chợ có bán sẵn lá khô, mỗi túi vài ngàn, có thêm bịch nang mực. Siêng một chút là có thau song nam mình làm, vệ sinh sạch sẽ.
Xu xáo ít thấy ai làm. Hỏi chị Thùy, “đầu nậu” ở chợ, chị bảo lấy hàng trong Nha Trang về bỏ lại kiếm lời. Miếng xu xáo đen thui, thơm mùi thuốc bắc. Ai ăn không quen bảo đắng và nhẫn, còn quen rồi thì thấy nó mát vô cùng. Sau này mới biết, xu xáo cũng được làm từ lá, phơi khô, nấu cho rục, lược nước bỏ xác. Còn người ta có cho thêm chất gì để thơm mùi thuốc bắc thì thiệt tình tôi hổng biết.
Hột đát mọc ở núi cao, đèo heo hun hút gió, giống cây thốt nốt, mọc thành buồng vắt vẻo trên cao. Người đi núi địu vác gùi vào tận rừng sâu, ngậm ngải tìm trầm, gặp hột đát cũng mang về tuốt. Hạ xuống, chất lửa đốt. Lớp vỏ ngoài cháy thành than, mỗi trái lòi ra năm sáu hột trắng đục, nhỏ xíu. Mang về, ngâm nước, nó nở gấp đôi. Hột già có nhân rất cứng. Hột non ngâm một hồi đổ nhớt. Chỉ có hột vừa chín rất dẻo nhưng hơi lạt, nhai một hồi thấy ngòn ngọt.
Xu xa, xu xáo, song nam, hột đát trộn lẫn vào nhau ăn với đá lạnh và đường tán thắng keo thì không có cái chi mát bằng. Muốn đường keo hơn, vò nát lá dâm bụt, lọc lấy nước nhớt trộn thêm ít miếng chanh cho thơm và khỏi lại.
3. Trưa trờ trưa trật, trời nắng như đổ lửa, ai mua cá mắm xong cũng muốn về nhà thiệt nhanh trốn nóng. Vậy mà đi ngang qua hàng xu xa, xu xáo, người nào cũng chần chừ. Đi thì tiếc mà ở thì trễ giờ cơm. Mà đi sao đặng. Ngồi xuống đòn ngồi, kêu một ly đủ thứ. Chị chủ quán vớt cục xu xa trắng ngà, xắn thêm miếng song nam xanh mát, xu xáo đen thui, bằm bằm, bỏ vô ly cùng với ít hột đát. Múc vá nước đường, đập ít đá, bỏ vô ly, đưa cho khách. Cầm ly chè đủ thứ mát lạnh trong tay, trộn đá đường cho đều, nó mát, nó thơm, nó mềm, nó ngọt. Hình như bao nhiêu tinh túy của núi rừng, biển cả, núi sông, đồng ruộng xứ này đều nằm hết trong ly chè giản đơn nhưng thanh đạm ấy.
Ăn một ly không đã, kêu thêm ly nữa. Ăn tới muỗng cuối cùng đứng dậy trả tiền. Rồi bỗng giật mình, mình ăn đã đời, bỏ chồng con ở nhà chịu nóng sao? Thế là mua cả ký bốn loại mang về. Chị chủ quán xắn mỗi thứ một ít, bỏ bịch nylon, cân ký, đổ ít nước rọng, lấy dây thun cột lại kèm theo bịch đường đưa khách.
Tự nhiên lúc này thấy trời dịu mát hẳn.
Nguyễn Hữu Tài