12:12, 14/12/2016

Truyện đọc 60 giây: Hạt vàng

Thị trấn không nghèo mà cũng chẳng giàu, nằm lọt thỏm trong lòng thung có núi cao bao bọc. Đường vào thị trấn chênh vênh. Không có nhiều ruộng đất để canh tác hoa màu, người ta di thực những cây thuốc quý của rừng quanh đó về trồng và bán cho những nhà chế biến đông dược.

Thị trấn không nghèo mà cũng chẳng giàu, nằm lọt thỏm trong lòng thung có núi cao bao bọc. Đường vào thị trấn chênh vênh. Không có nhiều ruộng đất để canh tác hoa màu, người ta di thực những cây thuốc quý của rừng quanh đó về trồng và bán cho những nhà chế biến đông dược.


Mùa nắng cũng là mùa khoe hương, khoe sắc của các loại hoa rừng, hoa nhà; cũng là mùa thu hoạch cây thuốc. Người ta ra đồng từ sáng tinh mơ. Thu hái, cắt, nhổ tùy loại rồi phơi ngay trên luống, sau đó mới gom về. Công việc chỉ có vậy. Làm cả năm thu hoạch chỉ một đôi ngày.


Mùa mưa, thị trấn vắng lặng. Cơ sở thu mua, sơ chế cây thuốc của thầy Nam nằm ở cuối thị trấn, ít xe cộ qua lại nên không khí khá trong lành. Nam có giấy phép hành nghề đông dược hẳn hoi, có vốn kiến thức về cây thuốc. Có điều kiện kinh tế và có cái tâm nên hàng ngày Nam vẫn thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục bệnh nhân nghèo. Anh tâm niệm: Có thuốc quý, có bài thuốc gia truyền nhưng phải yêu nghề và có duyên với nghề thì mới chữa lành bệnh được. Cơ sở của Nam có đến hơn chục người giúp việc nhưng nhiều nhất vẫn là lớp trẻ. Họ đến đây cốt để biết thêm về cây thuốc, về nghề hơn, bởi thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Anh cũng mở thêm lớp bổ túc kiến thức về thảo dược, có thu phí nhưng không nhiều.


* * *


- Em chào thầy.


- Lại đi trễ nữa. Gần nửa tiếng rồi đấy.


- Em xin lỗi.


- Về chỗ đi.


- Dạ.


Nam nhìn thằng bé đăm đăm, không nói thêm gì. Cả tuần nay nó đều đi trễ như thế và cũng mặc mỗi bộ đồ này. Cũ thì có cũ nhưng không cáu bẩn. Nam quan niệm học trò của mình không thua gì sinh viên đại học. Có thích, có yêu nghề thì siêng học, siêng đến giảng đường. Không thì thôi. Nam không thèm quan tâm đến thằng bé đã gần tháng qua bởi chuyện đi học trễ của nó. Nhưng rồi lương tâm người thầy đã không cho phép Nam làm điều đó. Nam bỏ ra vài giờ của vài buổi sáng là biết thằng bé còn vất vả với manh áo miếng cơm như thế nào. Công việc của nó là công việc của người bưu tá nhưng giờ giấc không hành chính như bưu tá. Nó làm từ lúc bình minh chưa thức giấc. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng, nó chạy khắp thị trấn phát báo, đưa thư. Cuộc sống với nó thật là đáng yêu, nó quen biết hầu như tất cả các tầng lớp cư dân của thị trấn này nhưng yêu nhất có lẽ nhóm bạn bè của các cụ cao tuổi. Các cụ dậy từ bốn giờ sáng, đi quanh bờ hồ rồi ghé quán nước trong công viên chuyện trò. “Cháu cứ mang báo lại đây, hơn chục người đấy. Ai không có mặt thì các chú sẽ mang tới nhà giúp cho, tiện thể thăm nom luôn cũng được. Đằng nào thì cũng thế mà, không trước thì sau”. Thằng bé chỉ biết cười, dạ dạ vâng vâng rối rít.


“Tội nghiệp, không chiếc áo lạnh, không nón che đầu”. Hình như lần đầu Nam quan tâm đến người khác, quan tâm đặc biệt chứ không hình thức. Nam liên tưởng đến giờ này mình nệm êm chăn ấm của thì thằng bé phải tất bật ngược xuôi, phải gồng gân xua đi buốt rét. Thương quá nhưng biết phải làm sao đây.


- Thưa thầy, em đóng học phí tháng này ạ.


- Học hành bữa đực bữa cái mà đóng gì.


- Dạ, em vẫn học tốt mà, thầy.


Bài vở thì cũng đủ, hẳn nó đã phải chép lại của ai đó nhưng có thêm nhiều hình minh hoạ chi tiết khác ngoài sự truyền đạt của Nam. Nam thấy vui vui nhưng không khỏi thắc mắc:


- Hình ảnh này em lấy ở đâu ?


- Dạ, trên mạng ạ…


- Có sáng kiến, có đối chiếu nhưng thực tế thì vẫn hơn.


- Dạ, em sẽ cố gắng.


- Cầm tiền lại đi. Từ nay em không phải đóng học phí nữa. Tiền đó để mua sách vở hay áo quần đi em. Thầy thấy em chỉ mặc mỗi bộ đồ này.


- Dạ, do đại lý sách báo cấp phát đó thầy.


- Thì ra là thế. Nhưng đó là món quà mà thầy tặng em. Em muốn mua sắm gì thì tùy.


Tiết học thành công nhiều hơn Nam tưởng. Nam không khiêm nhường nhưng thay vì dạy thì Nam đã học được ở thằng bé tính cần cù, chịu thương chịu khó, không vì mình mà vì mọi người. Người có lòng nhân như nó khác gì hạt vàng giữa bãi cát mênh mông.


LÝ THỊ MINH CHÂU