Ở tuổi 80, ngoại thường kể tôi nghe những câu chuyện đời bà. Cuộc mưu sinh vất vả để mưu cầu hạnh phúc.
Ở tuổi 80, ngoại thường kể tôi nghe những câu chuyện đời bà. Cuộc mưu sinh vất vả để mưu cầu hạnh phúc.
Cả gia đình ngoại có 10 anh chị em nhưng không trọn vẹn vì khói lửa chiến tranh và đói kém. Ngoại là chị thứ ba, vai ngoại là lớn nhất khi người chị cả mất sớm. Ngoại làm chị và lần lượt chăm sóc, che chở cho các em vượt khói lửa chiến tranh. Sau những trận nổ xé trời, chui ra khỏi hầm trú, nhìn thấy người thân an toàn, vừa chảy nước mắt hoảng hồn, vừa thầm cảm ơn số phận.
Minh họa: xuân đinh |
Cả nhà ngoại lăn lộn kiếm ăn vẫn không đủ bữa cơm no. Ngoại kéo bún thuê quần quật để đổi gạo. Bữa cơm độn củ mót, bo bo mà ăn vẫn phải dè dặt mới đủ. Thấy tôi ngỡ ngàng, ngoại xoa đầu tôi, cười hiền lành: “So với nhiều bữa nhịn và những nhà đói hơn thì thế là phúc”.
Rồi ngoại được học chữ. Từng con chữ là ký ức của ngoại khi ngoại run run đánh vần tại mái trường bình dân. Ngoại thường đứng cạnh tôi bên bàn học, nhìn bài vở của tôi rồi khe khẽ đánh vần trong miệng. Hình như ngoại đang ôn lại năm tháng thẳm sâu bằng nỗi niềm mà khi ấy tôi chưa hiểu ra. Tự nhiên lòng tôi lại trực trào nhớ giọng ngoại thiết tha, ấm áp như khi tôi nghe ngoại hát Tiến quân ca. Đó là bài hát mà ngoại ru tôi lúc còn nằm nôi. Tôi dần trưởng thành như thế, trong vòng tay ngoại.
Ngoại ngừng một đoạn như đang lắng lòng nhớ và sống lại những năm tháng xưa. Mắt ngoại đựng mấy giọt long lanh.
Ngoại kể tiếp chuyện ngoại lấy chồng rồi bắt đầu làm quen với tiếng gọi “thím Bảy”, với những việc nhà chồng. Ngoại thầm nhủ riêng tư: “Người con gái chu đáo lo cho các em nay lo cho chồng, cho con”. 9 người con của ngoại cũng trưởng thành trong chiến tranh, trong những cuộc di tản. Ngoại theo ông trên từng chuyến tàu hỏa xa. Một chặng đường cuộc đời lại khuất xa, ly biệt...
Thời gian trả lại cho ngoại hằn dấu chân chim…Năm 1999, ông đi xa. Ngoại lặng lẽ giấu những nỗi buồn, trống trải trong tâm hồn mình. Trong nhà, mẹ tôi gánh mưu sinh, ngoại lo chuyện nhà cửa. Bữa cơm ngoại nấu luôn già dặn ngọn lửa yêu thương. Ngoại hun đúc, chắt chiu hạnh phúc cuối đời cho con cháu. Ngoại truyền lại bếp lửa cho tôi, dạy tôi cách nấu cơm và những món truyền thống của gia đình.
Rồi ngoại dần yếu đi. Năm 2007, bệnh ngoại phát nặng. Một tuần nằm viện, ngoại qua khỏi và trở về với thuốc men. Ngoại thường bảo chị em tôi ra nằm chung với ngoại. Ngoại hay bất thần gọi tên chúng tôi. Lúc này, ngoại chỉ cần hơi ấm tình thân.
Bệnh ngoại trầm trọng sau cơn tai biến. Ngoại lẫn đi. Hồi ức của ngoại trở về ám ảnh trong những năm tháng thiếu ăn và chết chóc. Ngày lâm chung, ngoại vực mình dậy lạ kỳ. Ngoại ngồi bên con khuyên dạy từng chút. Và đêm ấy ngoại ra đi bình an.
Nhật ký cuộc đời ngoại là những câu chuyện ngoại kể cho tôi và còn dày những chuyện tôi chưa biết. Ngoại không ngóng đợi hạnh phúc ở chân trời hay nơi hào quang xa xôi nào. Hạnh phúc của ngoại là mang hết tâm sức đem đến hạnh phúc cho những người thân thương. Và như thế, ngoại mãi sống trong lòng con cháu chúng tôi. Mãi mãi.
Phạm Thị Hiền