Bạn hẹn sẽ về nghỉ ở Nha Trang, giọng qua điện thoại vẫn dịu dàng và hờ hững, rằng không cần phải đón đâu, rằng đã quen với những chuyến đi về, rằng… Thời gian trôi qua, mới hiểu có những sâu kín trong lòng không thể đổi thay, như sân ga kia bao nhiêu năm vẫn lặng lẽ đưa đón những đoàn tàu.
Bạn hẹn sẽ về nghỉ ở Nha Trang, giọng qua điện thoại vẫn dịu dàng và hờ hững, rằng không cần phải đón đâu, rằng đã quen với những chuyến đi về, rằng… Thời gian trôi qua, mới hiểu có những sâu kín trong lòng không thể đổi thay, như sân ga kia bao nhiêu năm vẫn lặng lẽ đưa đón những đoàn tàu.
Chiều sân ga đông nghẹt người, những gương mặt trầm tư trước chuyến đi xa, những khuôn mặt bồn chồn chờ tàu về. Không biết trong đám người đông đúc ấy có mấy ai để ý ga Nha Trang cùng với ga Đà Lạt là 2 nhà ga còn giữ được kiến trúc nguyên gốc độc đáo từ ngày xây dựng. Kiến trúc ga cùng với công viên Võ Văn Ký phía trước tạo thành một chỉnh thể, một nét riêng của Nha Trang. Có mấy ai còn lưu giữ trong ký ức những năm bao cấp, sân ga với những đoàn tàu chợ là nơi mưu sinh của bao số kiếp, bao nhiêu người cuộc sống gắn với con tàu. Ga Nha Trang ngày ấy có bao nhiêu người đi buôn gạo, buôn than, bán trà đá, bán kem, mực khô… sân ga nồng nực mồ hôi, những khuôn mặt thiếu đói nhàu nhĩ, cả sân ga sống theo giờ tàu đến, tàu đi. Mà thời ấy tàu về chậm vài tiếng là thường. Sân ga bao dung cho bao kiếp người, những thân phận rồi cũng vượt qua số phận.
Ga Nha Trang đi vào hoạt động từ năm 1936, vậy là đã 80 năm. Người Nha Trang coi ga như một phần không thể thiếu của thành phố. Đã thân quen với những tiếng còi đêm, thân quen với những tiếng rao bán quà rong… Nghe đâu có quy hoạch sẽ đưa ga Nha Trang về ga Cây Cầy hay Suối Dầu chi đó để nội đô thông thoáng, nhiều người chạnh buồn. Nha Trang đã không giữ được con đường Trần Phú êm đềm, thơ mộng trong cơn sốt phát triển đô thị. Nếu không còn nhà ga cũ 80 năm tuổi, hỏi còn đâu hồn vía thành phố?
Không biết trong đám đông ấy có ai thử tính xem hàng chục năm qua, sân ga này đã chứng kiến bao chuyến tàu đưa tiễn người đi, chứng kiến bao nhiêu cuộc hội ngộ, bao nhiêu cái ôm choàng thân thiết, có giọt nước mắt nào lăn qua môi đang cười?
Dọc dài theo đất nước mình, sân ga nào Nguyễn Bính đã viết nên “Những bóng người trên sân ga”? Sân ga nào mà những ngày nghỉ học, Tế Hanh hay đến một mình, đứng bơ vơ coi tiễn biệt? Có phải sân ga Cẩm Giàng là nơi Thạch Lam đã viết truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, tối tối ngóng chờ chuyến tàu đêm để đến bây giờ vẫn có trong chương trình sách giáo khoa, vẫn là đề thi vào đại học hàng năm?
Lặng lẽ một mình trong ký ức, có một sáng mùa hè nắng chói trên sân ga xép. Có một chuyến chia xa như mọi chuyến chia xa, có ánh mắt quay vội đi giấu một nỗi niềm, để sau này biết đó là số phận... Để rồi từ ngày ấy, câu thơ của nữ thi sĩ Nga cứ sống mãi trong lòng: “Tôi ra ga lòng lặng lẽ như xưa, một mình với mình thôi không cần ai tiễn biệt, tôi không biết nói cùng anh đến hết, nên bây giờ còn biết nói gì thêm…”.
Miên man suy nghĩ, chợt thảng thốt nhận ra bấy lâu nay vẫn giữ mãi trong lòng một hình bóng bé nhỏ trên sân ga, dẫu cho tình đời biến đổi... như một lần mãi không đi qua hết cơn mê đời.
Vẳng nghe tiếng còi, hình như tàu sắp vào ga.
THỦY NGÂN