11:11, 22/11/2016

Lở bồi hai nửa miền Trung

Mỗi người có thể có mỗi cách liên tưởng khác nhau khi gợi nhắc tới miền Trung. Với riêng tôi, mỗi lần nghĩ về miền Trung, tôi thường nghĩ về mẹ. Một người mẹ tảo tần nón mê áo bạc của riêng tôi. Và cao hơn, rộng hơn là những người mẹ miền Trung độ lượng, bao dung, giàu đức hy sinh, thủy chung son sắt…

Mỗi người có thể có mỗi cách liên tưởng khác nhau khi gợi nhắc tới miền Trung. Với riêng tôi, mỗi lần nghĩ về miền Trung, tôi thường nghĩ về mẹ. Một người mẹ tảo tần nón mê áo bạc của riêng tôi. Và cao hơn, rộng hơn là những người mẹ miền Trung độ lượng, bao dung, giàu đức hy sinh, thủy chung son sắt…


Là một người con sinh ra từ mảnh đất nghèo mà dư thừa bão mưa, nắng gió… tôi có lý do để ưu ái và dành cho quê mẹ một tình yêu đặc biệt. Một tình yêu tự nhiên, không đắn đo, mặc cả trách nhiệm mà chất phác, hồn hậu như chính cốt cách, lối sống hàng ngày của người dân miền gió Lào cát trắng.


Nếu như người xứ Bắc sở hữu nét mềm mại, thanh lịch, hào hoa; người miền Nam khoác lên mình cung cách ứng xử đầy cởi mở, phóng khoáng thì nếu ai đã từng sống, từng ăn ở chốn này, hoặc từng có cơ hội tiếp xúc sẽ dễ nhận thấy người miền Trung nói chung đều mang dáng vẻ chân chất, bộc trực từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng. Tôi thấm nỗi truân chuyên của quê nhà từ thuở bé nên càng thấu cảm rằng ẩn sâu trong lớp ngôn từ xã giao có khi thô vụng ấy là sự thật thà, chân thành rất đáng quý.


Cái khó, cái khổ của người miền Trung không phải tới bây giờ, khi “bão chồm lên lũ”, người ta mới nhắc tới, biết tới, dành sự sẻ chia, thương cảm. Không rõ từ bao giờ, câu chuyện cảm động, giàu nhân văn có tên “Cá gỗ” được truyền miệng trong dân gian, thậm chí được thầy cô dạy cho bọn trẻ trong những bài học đầu đời đã minh chứng điều đó.


Mảnh đất hẹp như không thể hẹp hơn, gầy như không thể gầy hơn, nương vào dãy Trường Sơn để trường tồn đời đời kiếp kiếp. Một dáng đứng chênh vênh mà vững chãi, can trường. Ngỡ mong manh mà đầy chất thép. Biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đã đi qua, đạn bom bao phen dày xéo và để lại bạt ngàn bia mộ đất này. Và ở đấy, những tượng đài sừng sững được mọc lên kiêu hãnh, mang tên mẹ Suốt, mẹ Thứ ngoan cường, tôn vinh mười bông hoa Đồng Lộc trinh nguyên, dũng cảm. Ở đấy sôi lên cuồn cuộn một dòng sông thiêng Thạch Hãn: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”...


Mảnh đất nghèo đến nỗi “mồng tơi không kịp rớt” mà “gió bão tốt tươi như cỏ”. Chỉ chừng ấy con chữ thôi là đủ để gói đầy về mảnh đất ấy. Cơ cực, điêu linh, và rồi đứng dậy mạnh mẽ hơn gấp bội. Đó là khí phách của người dân quê tôi. Sống bền chí như cây xương rồng trên cát nóng. Quật cường như dãy Trường Sơn. Rám trải, mặn mòi như hạt muối.


Giông bão đi qua. Những tấm lòng thơm thảo nơi nơi hướng về dẫu chẳng thể bù đắp vẹn nguyên cho những đau thương, mất mát nhưng đủ để thắp lại nụ cười, nuôi lớn niềm tin, sự lạc quan như chính cái cách mà người miền Trung thường vịn vào câu ca xưa để an ủi nhau mỗi khi gặp tai ương, địch họa: “Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.


Trên lớp phù sa mới ấy, họ lại nương tựa vào nhau, san sẻ cùng nhau bằng cái nghĩa tình “gừng cay muối mặn”. Họ lại tưới tắm, sinh nở nên những mùa màng mới bằng sự chịu thương, chịu khó, bằng niềm tin sắt son chẳng bao giờ vơi cạn.


Miền Trung, với tôi đã là máu thịt cả cuộc đời. Nơi có mẹ, có em, có quê nhà dằng dặc nỗi nhớ niềm thương mỗi lần chợt nghĩ. Và nói như nhà thơ Hoàng Trần Cương, một cách nói giản dị mà khái quát về mảnh đất, con người xứ sở: “Miền Trung/Eo đất này thắt đáy lưng ong/Cho tình người đọng mật/Em gắng về/Đừng để mẹ già mong…”.


NGÔ THẾ LÂM