10:09, 06/09/2016

Màu hoa đỏ giữa trời thu Khánh Vĩnh

Mấy mươi năm trước, khi con đường Khánh Lê - Lâm Đồng chưa được khai thông, thị trấn Khánh Vĩnh chỉ là một điểm hội tụ trao đổi hàng hóa và buôn bán của một vài cư dân với đồng bào dân tộc thiểu số. Một thị trấn ngủ yên trong tiếng gió ru của đại ngàn xanh ngút...

Mấy mươi năm trước, khi con đường Khánh Lê - Lâm Đồng chưa được khai thông, thị trấn Khánh Vĩnh chỉ là một điểm hội tụ trao đổi hàng hóa và buôn bán của một vài cư dân với đồng bào dân tộc thiểu số. Một thị trấn ngủ yên trong tiếng gió ru của đại ngàn xanh ngút...


Cầu sông Khế, con sông nhỏ đầu thị trấn thanh thản bước chân người đi. Dòng sông như dải lụa vắt ngang thị trấn, mùa này nước cạn nhìn rõ từng viên đá sỏi và trải mình giữa ngàn lau, cây dại. “Khánh Vĩnh quê mình có lắm con sông…” - câu hát ấy cứ gợi về dìu dặt trong tôi. Tôi đứng bâng khuâng trên cầu sông Khế. Chiếc cầu gỗ năm xưa nay có bê tông cốt thép vững chắc. Bên kia là cầu tràn nơi dòng sông Giang nằm ở phía tây nam thị trấn. Con sông miền ký ức đôi bờ không còn hoang dại như xưa. Cây đa thuở ấy đâu rồi? Cây bồ kết bên sông các em thường tắm gội giờ cũng đâu còn nữa.

 

Tuyến đường Khánh Lê (Khánh Vĩnh) nối với tỉnh Lâm Đồng.  Ảnh: Văn thành châu
Tuyến đường Khánh Lê (Khánh Vĩnh) nối với tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Thành Châu


Tôi đang đi trên những con đường trong lòng thị trấn, những con đường gợi hào khí cách mạng, đường 12 tháng 8, đường Lê Hồng Phong, đường Pi Năng Xà A... Bệnh viện đa khoa đã mọc lên nơi đầu cửa ngõ thị trấn. Trường dân tộc nội trú, nơi thắp lên những ngọn lửa tương lai cho các bản làng vùng cao. Cái lạc hậu tối tăm từ những ngọn đèn dầu le lói ngày xưa không còn nữa. Dòng điện sáng đã về, thủy điện đã mọc lên… Trời đã sang thu, không khí thật dịu ngọt, mát trong. Ban mai đang lên, mới tinh mơ mà các góc chợ nơi thị trấn đã xôn xao những lưng gùi cây trái của các thiếu nữ Ê Đê, Raglai, T’ring… đang xuống chợ. Hàng hóa từ khắp mọi miền đổ về đây khá đa dạng và phong phú. Việc mua bán không còn phải đi lại xa xôi như ngày xưa. Quán Lộc Vừng nằm trong lòng thị trấn là nơi chúng tôi dừng chân và được thưởng thức những món ăn đầu tiên. Ngoài những món đặc sản biển, rừng, vẫn còn đó những món ăn mang đậm nét vùng cao... Lòng tôi chợt rưng rưng nhớ về hương vị măng rừng, rau đắng của một thời kháng chiến. Khánh Vĩnh giờ là nhịp cầu nối giữa rừng và biển, Nha Trang - Đà Lạt và quán này là điểm dừng chân lý tưởng của khách trên chặng đường lãng du.


Khánh Vĩnh sau mấy mươi năm thăng trầm đã dần mang hình hài của một đô thị miền tây Khánh Hòa trong tương lai. Phía tây Khánh Trung, dòng thủy điện sông Giang đã bừng sáng. Khánh Phú - thác nước trời Yang Bay đang hồ hởi vẫy gọi người về…


Khánh Vĩnh còn là chiếc nôi nhỏ thủy chung trên mảnh đất đại ngàn xưa như lời mẹ Long - bạn tôi kể lại. Bà đã từng có một thời ắp đầy kỷ niệm chiến khu xưa. Bom đạn của quân thù đã trút xuống mảnh đất này tưởng chừng như chôn vùi đi tất cả. Nhưng đã có “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, dải đất đại ngàn Trường Sơn và đồng bào đã che chở người lính kiên cường bảo vệ và gìn giữ mảnh đất quê hương đến tận cùng. Dòng sông Bà, sông Giang, sông Khế vẫn còn đây, chiến khu Hòn Dữ còn đó. Hình ảnh cô giao liên mái tóc dài vẫn phảng phất trong dáng hình thiếu nữ duyên dáng đạp xe đến trường hôm nay… Câu chuyện tình năm xưa bên dòng sông Giang mà già làng Cao Ry Sam vẫn còn kể trong những đêm bếp lửa rượu cần như một huyền thoại của thời chiến tranh để lòng tôi thao thức. Có một người lính quê miền Trung vào đây giữa những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh, anh đã thầm yêu người con gái Raglai. Chuyện tình của họ đã được dòng sông Giang chứng kiến. Cô gái thường đi gùi tiếp tế cho tiểu đội của anh. Cứ mỗi lần như thế, họ lại ngồi bên nhau ở khúc sông này. Thương lắm món quà mà cô dành cho anh là những quả sung rừng. Đêm chia tay đầy nước mắt cũng ở nơi khúc ngoặt của dòng sông ấy, cô mang cho anh mấy trái sung rừng bọc trong chiếc khăn tay. Anh phải đi gấp nhận nhiệm vụ ở nơi hạ nguồn phía biển. Con thuyền chở người lính đã xa rồi mà người con gái vẫn đứng lặng trông theo. Mãi mấy năm sau khi chiến tranh đã kết thúc, người con gái vẫn thường ra đứng lặng thầm dõi về nơi đó. Người lính đã không trở về và người con gái ấy đã đi lấy chồng. Không biết có phải do tình cờ của tự nhiên hay huyền thoại, nơi khúc ngoặt dòng sông ấy có một cây phượng rừng đã mọc lên, giờ đã sang thu mà năm nay, màu hoa đỏ vẫn cháy rực cả một vùng sông nước.


Câu chuyện của già làng kể trong đêm, ánh lửa hắt lên đôi mắt hoe đỏ của ông. Mãi sau này tôi mới được biết, người con gái năm xưa ấy bây giờ chính là người vợ yêu quý của ông…


DUY HOÀN