10:04, 04/04/2015

Giai điệu Tổ quốc

Tổ quốc - tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi khi cất lên, trái tim của triệu triệu người con Việt Nam lại trào dâng bao cảm xúc khó tả. Hôm nay, đi giữa những ngày tháng 4 lịch sử, tiếng gọi ấy một lần nữa trở thành khẩu hiệu được hô vang đầy kiêu hãnh, tự hào.

Tổ quốc - tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi khi cất lên, trái tim của triệu triệu người con Việt Nam lại trào dâng bao cảm xúc khó tả. Hôm nay, đi giữa những ngày tháng 4 lịch sử, tiếng gọi ấy một lần nữa trở thành khẩu hiệu được hô vang đầy kiêu hãnh, tự hào.


Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của lớp lớp cha anh, Tổ quốc đã trở thành một chủ đề lớn của những bản trường ca bất tử, được các thế hệ nhạc sĩ dành nhiều tình cảm, tâm huyết để viết nên những ca khúc để đời. Những giai điệu ấy là tiếng nói chưng cất từ trái tim, từ tình yêu giống nòi bất diệt của một thế hệ nhạc sĩ tài năng, đáng trân quý. Trong số họ, có người chưa từng là lính, chưa từng cầm súng ra chiến trường; có người là nghệ sĩ - chiến sĩ, vừa cầm súng, vừa cầm bút trong những tháng năm vệ quốc vĩ đại. Dù ở cương vị nào đi nữa, họ đã dâng tặng cho Tổ quốc những tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục và tuyên truyền rộng lớn. Dù khai thác ở góc độ nào thì chân dung một đất nước huyền thoại cũng đều được tái hiện và lột tả một cách sinh động, vọng vang âm hưởng bi - hùng.


Năm 1980, nhạc sĩ Trần Tiến viết “Giai điệu Tổ quốc”; năm 1985, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết “Đất nước”, phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Âm hưởng chủ đạo của hai bài ca đất nước là đều được phác thảo từ hình tượng người mẹ Việt Nam anh hùng, thầm lặng hy sinh, gạt nước mắt hiến tặng những đứa con cho Tổ quốc mình: “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/Mình mẹ lặng im…” ; đó là chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ mà son sắt thủy chung, giàu lòng nhân ái và sáng ngời chân lý cách mạng: “Hạt thóc chia đều, dẫu no dẫu đói/Ta vẫn vẹn tình, đắng ngọt cùng vui…”. Đất nước còn được tái hiện là một đất nước của những giai điệu tha thiết, trữ tình, của ca dao, cổ tích, vừa bất khuất - vừa hào hoa: “Tôi nghe trong đoàn quân đi/Tôi nghe trong lời bão tố/Bốn nghìn năm đất nước gian nan/Giai điệu cháy trong tình yêu đất nước vô vàn…”; vừa can trường - vừa lãng mạn: “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”…, vẫn “sáng ngời muôn thuở/Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ…”.


Và khi Tổ quốc đã sạch bóng quân thù, ở một góc độ khác, chúng ta bắt gặp một đất nước cất cao khúc khải hoàn ca trong một trang sử mới, ngẩng cao đầu kiêu hãnh, hiên ngang. Có thể kể đến các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hà với “Đất nước trọn niềm vui” (năm 1975); nhạc sĩ Văn Cao với “Mùa xuân đầu tiên” (năm 1976); nhạc sĩ Cao Việt Bách với “Cung đàn mùa xuân” (năm 1981)… “Đất nước trọn niềm vui” được cất lên đầy hào sảng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chân lý muôn đời của Tổ quốc thiêng liêng: “Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang/Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam/Tổ quốc anh hùng”…. Trong khi đó, “Mùa xuân đầu tiên” dịu dàng, ấm áp, nhen nhóm hạnh phúc bình dị của bao người con đất Việt những ngày đầu độc lập: “Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/Nước mắt trên vai anh/Giọt rơi ấm đôi vai anh/Niềm vui phút giây như đang long lanh”… Còn “Cung đàn mùa xuân” lại như một lời hẹn ước với tương lai bằng niềm tin sắt son và tinh thần, ý chí đắp xây cơ đồ Tổ quốc trong vận hội mới: “Đường vui nay bước thênh thang/Tâm hồn lộng gió em ơi/Xây đẹp mộng ước tương lai/Em ơi, vút lên một tiếng đàn…”.


Xin cảm ơn các nhạc sĩ đã đồng hành cùng thăng trầm lịch sử của đất nước, để những “giai điệu Tổ quốc” được tiếp nối trầm bổng rung lên trên mảnh đất huyền thoại này suốt dọc dài quá khứ - tương lai. Hôm qua, hôm nay và cả ngày sau nữa, cứ đến những ngày tháng 4 lịch sử, toàn thể dân tộc lại sẽ cùng cất cao tiếng hát. Hát để cùng ôn lại truyền thống hào hùng, để ngợi ca, tri ân các mẹ, các anh - những người lính kiên trung đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc.


NGÔ THẾ LÂM