00:44, 30/11/2024

Chợ quê ngày ấy

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Chưa thấy ai, cũng chưa thấy tài liệu nào, xưa nay xác định cụ thể khi trả lời câu hỏi “chợ xuất hiện vào thời kỳ nào”, mà đa phần chỉ cho biết, hình thái sinh hoạt này ra đời khá sớm, từ cái thời người ta bắt đầu có của ăn của để và muốn trao đổi cho nhau những thứ cần thiết. Tại các vùng thôn quê nước ta, hầu như không có vùng nào lại không có chợ. Cùng với việc mua bán, chợ còn là nơi tụ họp, gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm… giữa những người thân quen trong xóm, trong làng. Có lẽ vì vậy, chợ quê là một trong những hình ảnh sống mãi trong ký ức đẹp đẽ của biết bao người.

Một gian hàng bán các loại sản vật  của người dân thị trấn Tô Hạp.
Một gian hàng bán các loại sản vật của người dân thị trấn Tô Hạp.

Cũng như ở các vùng quê khác, quê tôi có cái chợ nằm ngay giữa làng và đông vào buổi sáng. Chợ không lớn, cùng một số quầy hàng của các gia đình chung quanh, ở giữa chỉ có chừng mươi cái sạp gỗ, mái lợp đơn sơ, nằm nối nhau của những người bán hàng tạp hóa hoặc hàng thịt heo, thịt bò…, còn lại tất cả là chỗ đất trống để bà con trong làng đến bán, trao đổi các sản phẩm do mình làm ra. Cả buổi, từ sáng sớm tới trưa, ở chợ lúc nào cũng tấp nập và ồn ào bởi tiếng của người mời hàng, người trả giá, xen lẫn tiếng trò chuyện rôm rả của những người đi chợ. Có người ra chợ chỉ bán mấy bó cải còn tươi, mới nhổ ngoài vườn hay mấy quả bầu, quả bí. Có người đi chợ chỉ để mua vài lạng thịt, con cá hay cây kim, lọn chỉ…

Nhà tôi ở cách chợ chưa đầy cây số, nhưng hồi còn bé, cách đây hơn 60 năm, lần đầu được mẹ cho đi chợ, tôi cứ như lạc vào một thế giới khác đầy mới lạ, vì ở đó không chỉ có cảnh rộn ràng, đông người mà còn có nhiều hàng hóa. Cả bánh trái, người ta bày bán cũng nhiều. Dần dần, chợ trở thành nơi cuốn hút tôi. Mỗi khi nghe mẹ bảo theo mẹ ra chợ mua cho đôi dép hay mua áo quần, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Chưa kể, mỗi lần ra chợ, mẹ thường cho ăn quà, khi vài viên kẹo, lúc cái bánh… Rồi lớn lên thêm, tự đi học cùng đám bạn, cái chợ càng gần gũi với tôi. Khi cần cuốn vở hay ngòi bút, mẹ chỉ cho tiền, còn tôi tự ra chợ mua. Nhiều bữa, bận việc, mẹ hay bà nội sai tôi đi mua ít nước mắm, ít dầu lửa hay thứ gì đó, tôi cũng hăng hái chạy đi. Tôi còn nhớ ở sát con đường dẫn vào chợ quê tôi ngày ấy có cô Năm Khàn chuyên bán các thứ gia vị nhưng trước hiên lại kèm thêm một sạp nhỏ cho thuê toàn truyện thơ như: “Thạch Sanh - ‎Lý Thông”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”, “Thoại Hương - Quí Ngọc”, “Lưu Bình - Dương Lễ”… Bà nội tôi rất thích những truyện này, thỉnh thoảng sai tôi đi thuê, rồi trưa trưa đọc cho bà nghe. Thuê đi rồi thuê lại, đọc hoài đến nỗi một số truyện cả hai bà cháu đều thuộc lòng.

Sáng nào cũng họp, nhưng có lẽ những ngày sát Tết là thời gian cái chợ nhỏ ở quê tôi náo nhiệt nhất. Chợ đông từ sáng tới chiều và chỉ kết thúc đúng vào trưa ba mươi. Quần áo, hàng hóa, bánh mứt cùng bao nhiêu thứ được chở về, giăng ra với đủ màu, đủ sắc rực rỡ. Bên lề con đường gần chợ, cái lò rèn hay mấy tiệm hớt tóc, tiệm may dường như cũng đông khách hơn. Bọn trẻ con trong thôn, trong xã cũng theo mẹ đến chợ nhiều hơn. Đứa đi xem những món đồ chơi vừa được bày bán, đứa lăng xăng tìm giấy màu cắt hoa trang trí trong nhà để đón xuân.

Ngoài dịp Tết, có nhiều niềm vui khác gắn với chợ mà đến bây giờ, qua bao nhiêu năm tôi vẫn còn nhớ. Chẳng hạn như, lâu lâu có một gánh Sơn Đông mãi võ chừng 4 - 5 người đến chợ bán thuốc gia truyền. Để gây ấn tượng, hầu hết các gánh đều có biểu diễn những màn võ thuật, múa đao, chặt gạch, ảo thuật hoặc làm xiếc. Có lần gánh nọ còn mang theo con vẹt thỉnh thoảng cất tiếng nói như người “Mời mua thuốc! Mời mua thuốc”, cùng con khỉ mặc bộ đồ ca rô xanh - đỏ, tay cầm cái mũ chìa ra mời cô bác đứng xem ủng hộ tiền giữa lúc tiếng trống và tiếng phèng la đang đánh rộn lên cả góc chợ. Những lúc như thế, đám trẻ con chúng tôi thích thú vô cùng, há hốc miệng đứng xem, nhất là môn ảo thuật. Một vài nhóm hát bài chòi thỉnh thoảng từ mấy vùng lân cận, tranh thủ dịp nông nhàn, để tìm cách kiếm thêm kế sinh nhai, khi đi ngang cũng ghé lạị. Tối đến, ở giữa chợ, với vài ba chiếc chiếu trải trên nền đất, dưới ánh sáng leo lét của vài ngọn đèn dầu, không phông màn trang trí, họ biểu diễn bằng cách người này đứng hô, người khác ngồi trên chiếu đánh trống, kéo đàn, hết tiết mục này sang tiết mục khác. Đơn giản vậy thôi, nhưng người lớn, trẻ con xem khá đông và ai ủng hộ tiền thì bỏ vào cái giỏ mây để gần đó.

Người dân  mua các mặt hàng  nông sản  tại Chợ phiên  thị trấn Tô Hạp.
Người dân mua các mặt hàng nông sản tại Chợ phiên thị trấn Tô Hạp.

Đôi khi có vài nhóm thanh niên đi xe đạp từ xa đến chợ, bán đủ thứ hàng theo dạng lưu động, rồi mở bàn quay số có thưởng. Tôi nhớ có lần, chú của thằng Bình đi làm ăn ở xa về quê chơi, cho nó hai đồng. Sáng Chủ nhật, Bình rủ tôi ra chợ mua cà-rem. Ra tới nơi, thấy mấy anh quay số, tôi và Bình bèn rủ nhau chơi thử hết cả hai đồng. Ai ngờ lần đó chúng tôi trúng thưởng được hai bánh xà phòng hiệu Cô Ba. Đó là loại xà phòng bánh nhỏ nhưng rất thơm. Bình cho tôi một bánh. Những năm đầu của thập niên 1960, ở quê tôi loại xà phòng này chỉ có mấy anh chị thanh niên con nhà giàu mới dùng. Vậy nên khi tôi mang ra giếng tắm, thấy thơm, mấy đứa nhỏ trong xóm đứa nào cũng xin chà lên đầu một chút để gội...

Chợ quê, ai đã từng gắn bó, lớn lên đi xa mà chẳng nhớ! Tôi cũng vậy, mỗi lần nghĩ tới cái chợ nhỏ nơi quê nhà ngày còn bé, bao hình ảnh thân thương lại hiện lên, trong đó luôn có những người mẹ hiền dịu, tần tảo, tựa như hình ảnh nhạc sĩ Phạm Duy đã từng khắc họa trong ca khúc “Bà mẹ quê” nổi tiếng: “Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu/Có đàn, có đàn gà con nương náu/Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều/Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu/Bà bà mẹ quê!/Gà gáy trên đầu ngọn tre/Bà bà mẹ quê!/Chợ sớm đi chưa thấy về/Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon”...

HOÀNG NHẬT TUYÊN