Nghề hớt tóc dạo ra đời từ khi nào chẳng ai rõ, nhưng ở nhiều vùng quê, đến đâu, khi hỏi về công việc này, những người lớn tuổi ai cũng biết. Ở làng tôi cũng vậy, ngày xưa, từng có một người đàn ông gọi là ông Phó, hàng ngày hay tới lui trong các thôn xóm và chốc chốc lại cất tiếng rao: “Ai hớt… tóc… tóc… tóc… không?”.
Thực ra, ông Phó có tên riêng hẳn hoi, nhưng chắc vì quý mến nên người trong làng quen gọi ông bằng cái tên mang tính chung chung này - một cách gọi tắt từ hai tiếng Phó Cạo. Còn chữ Phó, sau này lớn lên, tìm hiểu tôi mới biết, theo dân gian, đây là cách người ta dành để chỉ các bậc thợ thủ công có tay nghề, chẳng hạn như Phó Cối (thợ đóng cối xay lúa), Phó Hoạn (thợ thiến heo)…
Cắt tóc úp tô. |
Tôi còn nhớ, ông Phó hay đến cắt tóc dạo ở làng tôi là người đàn ông trung niên, dáng gầy gầy, đi trên chiếc xe đạp đã cũ, ở phía sau xe chở một chiếc thùng gỗ, bên trong đựng những dụng cụ để phục vụ cho việc hớt tóc cùng một chiếc ghế xếp.
Cuộc sống ở các vùng quê trước đây rất khó khăn. Khi thế hệ 5x, 6x chúng tôi ra đời, ở mỗi làng, mỗi xã chỉ có một đến hai tiệm hớt tóc, lại thường nằm ở khu vực gần chợ. Người lớn muốn hớt tóc phải bỏ thời gian đến đó để chờ, trong khi nghề nông lúc nào cũng bận. Đám con nít như chúng tôi ở những nơi xa chợ, muốn đến tiệm đâu phải dễ. Với lại, làm ruộng, làm vườn, kiếm được đồng tiền khó lắm, nên ở một số gia đình, khi tóc con cái đã dài, nhiều bậc cha mẹ dùng dao xếp để cạo hoặc dùng kéo cắt cho đỡ tốn. Từ khi có ông Phó, việc cạo đầu giảm dần, do ông thợ cắt tóc dạo chịu khó đến tận các xóm, tiền công ông lấy cũng khá thấp. Có trường hợp chưa có tiền thì ông cho nợ. Một số trường hợp khác, đến mùa người ta đong lúa thay cho tiền công ông cũng chịu.
Nhà ông Phó nghe đâu ở tận thị trấn, cách làng tôi đến gần bốn cây số. Thông thường, ông đạp xe tới làng vào lúc gần trưa rồi bắt đầu công việc của mình bằng những tiếng rao. Nhà nào cần hớt tóc thì mời ông vào. Nhiều khi ông chọn một chỗ có bóng cây to, mở thùng đồ nghề ra, chuẩn bị sẵn, rồi đặt ghế và treo chiếc gương lên thân cây để khách có thể tận mắt ngắm nghía quá trình thay đổi mái tóc của mình. Sau khi khách hàng đã ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế, ông Phó mới nhẹ nhàng chải tóc, rồi dùng tông-đơ và kéo cắt tỉa gọn gàng mái tóc theo yêu cầu của khách. Ông Phó cắt tóc rất nhanh, đẹp, cẩn thận, lại khéo chiều khách nên mỗi lần đến chỗ tôi, ai cũng thích. Nhiều bữa, dưới bóng cây xanh mát, trong khung cảnh bình yên của làng quê, mọi người vừa cắt tóc, vừa chuyện trò râm ran về đủ thứ việc trong làng, ngoài xóm, giữa tiếng lách cách của tông-đơ, tiếng xoèn xoẹt của lưỡi kéo.
Với đám con nít chúng tôi, ông Phó luôn gần gũi, nhiều lúc còn đùa giỡn, trêu chọc làm cho đứa nào cũng thích. Có lần, ông còn mua cả một gói kẹo trứng chim đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… đến phát cho mỗi đứa mấy viên, đứa nào cũng mê. Có trường hợp thấy đứa nhỏ nào tóc dài, hỏi ra biết cha mẹ không có tiền, ông liền gọi lại hớt giùm. Thằng Lạc, bạn tôi nhà ở xóm Gò là một ví dụ. Dạo đó Lạc đã mười tuổi, mồ côi cha, gia đình lại đông em, khó khăn, nên khi tóc dài, Lạc đều nhờ bà dì dùng kéo cắt nên tóc lởm chởm, chỗ cao chỗ thấp. Sau kỳ nghỉ hè chuẩn bị vào năm học, một bữa, thấy ông Phó hớt tóc cho chúng tôi, Lạc lân la đến gần, nhờ tôi nói hộ để được hớt một lần, nó hứa sẽ đi nhặt xác ve sầu bán cho tiệm thuốc bắc, kiếm tiền dồn lại để trả. Nghe vậy, ông Phó liền bằng lòng ngay. Ông không những không lấy tiền mà sau đó còn nhiều lần hớt tóc miễn phí cho Lạc.
Trường hợp của thằng Lâm cũng thật khó quên. Một buổi trưa, khi chúng tôi đang chơi bắn bi gần chỗ ông Phó đang cắt tóc dưới gốc cây trâm giữa xóm thì Lâm đi tới với vẻ mặt hớt ha hớt hải. Hỏi ra mới biết, mẹ cho nó tiền để đi hớt tóc, trên đường, sợ mất, nó cứ lấy ra đếm đi đếm lại, không ngờ tới nơi thì mấy đồng tiền không còn trong túi áo nữa. Tìm tới tìm lui vẫn không thấy, nó sợ về nhà sẽ bị cha mẹ la. Thương bạn, chúng tôi cùng với Lâm tiếp tục tìm kiếm, song chẳng phát hiện tiền rơi chỗ nào. Thằng Lâm rơm rớm nước mắt muốn khóc. Nghe đám nhỏ chúng tôi xầm xì, bàn tán, ông Phó phát hiện ra sự việc. Sau khi nghe Lâm kể lại đầu đuôi, ông Phó liền bảo nó: “Thôi, được rồi. Ngồi lên ghế ông hớt tóc cho! Lần sau có tiền phải cất cho cẩn thận nghe chưa!”.
Thợ cắt tóc dạo ngày xưa. |
Gắn bó với bà con lâu ngày, ông Phó Cạo trở nên thân thiết, như người của xóm làng. Lúc có giỗ, tiệc, gặp dịp ông đi ngang, mọi người đều mời. Năm tháng đi qua, cuộc sống ngày nay đã phát triển về mọi mặt. Không chỉ ở nơi phố thị mà tại các làng quê giờ đây cũng đã xuất hiện rất nhiều tiệm cắt tóc lịch sự, sang trọng, không còn thấy những người thợ đi cắt tóc dạo nữa. Tuy vậy, trong ký ức những người lớn tuổi, hình ảnh ông Phó Cạo xưa cũ nhưng đầy thân thuộc không dễ phai mờ. Hình ảnh ấy tựa như những nét chấm phá trong bức tranh về quê hương đầy màu sắc của một thời, thẩm thấu và nuôi lớn tâm hồn bao thế hệ.
Cách đây mấy hôm, ngồi trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Triều Dương, tôi có hỏi ông về chuyện làng, chuyện xã ở Ninh Hòa xưa, trong đó có đề cập tới nghề hớt tóc dạo. Hóa ra, hồi còn nhỏ ông Dương và bạn bè cùng lứa tuổi đã từng gặp ông Phó Cạo tới hành nghề tại quê mình và từng được ông cắt tóc. Ông Dương tỏ ra thích thú khi nhắc lại mọi chuyện. Ông còn kể thêm cho tôi nghe chuyện ở Ninh Hòa ngày xưa, tại một số địa phương, có một số ông Phó Cạo khi cắt tóc cho con nít còn lấy một cái tô úp lên đầu rồi dùng kéo cắt phần chung quanh, gọi là cắt tóc úp tô…
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin