Tháng 6-1985, huyện Khánh Sơn được thành lập trên cơ sở 4 xã miền núi của huyện Cam Ranh gồm: Ba Cụm, Sơn Hiệp, Thành Sơn và Trung Hạp. Ngày đầu thành lập, cán bộ của huyện Khánh Sơn chủ yếu tách ra từ các phòng, ban của huyện Cam Ranh, nên anh em ngong ngóng đến chiều thứ Bảy là cắt cơm tập thể về thăm nhà, mọi người gọi đùa nhau là… “khuất núi”. Kỷ niệm những ngày đầu về vùng đất mới đầy khó khăn, thiếu thốn ấy đâu dễ phai mờ trong tâm trí.
Đường đèo Khánh Sơn đầu những năm 1990. |
Cuối năm 1985, tôi có chuyến đi công tác đầu tiên lên Khánh Sơn. Khi ấy, tỉnh đang triển khai Quyết định số 230 ngày 13-9-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chia các xã của Khánh Sơn thành 1 thị trấn và 7 xã như bây giờ. Đó là: Ba Cụm chia thành Ba Cụm Bắc và Ba Cụm Nam, Trung Hạp chia thành xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp chia thành Sơn Hiệp và Sơn Bình, Thành Sơn chia thành Thành Sơn và Sơn Lâm.
Ngày ấy, đi công tác ở Khánh Sơn vất vả vô cùng. Tôi đón xe đò từ Nha Trang vào Ba Ngòi. Con đường từ Ba Ngòi lên Tô Hạp cảm giác xa xôi, cách trở ngàn trùng. Con đường đèo Khánh Sơn bé tẹo, ngày ấy là đường đất, mùa khô bụi mù trời, mùa mưa trơn như đổ mỡ. Ngày đầu thành lập huyện, xe đò tuyến này là chiếc Zin ba cầu tận dụng bởi chỉ có chiếc xe này mới bò lên nổi. Khách ngồi trên thùng xe chen chúc với hàng hóa. Chuyến đi xuống ngồi chen với than, với chuối, chuyến đi lên thì chen với gạo, với cá mắm… Anh em cán bộ ngày ấy vẫn chiều thứ Bảy theo xe về Cam Ranh, sáng thứ Hai lại bám chuyến xe này lên, vất vả mấy cũng phải chịu vì hồi đó xe máy là thứ xa xỉ, chả mấy ai có mà tự đi.
Ngày đầu thành lập huyện, các cơ quan tận dụng mấy ngôi nhà tạm của xã, nhà tranh vách đất có, nhà cấp 4 có. Khi tôi lên, thị trấn mới được san ủi, phóng con đường chạy qua trung tâm để định hình, chính là đường Lê Duẩn hiện nay. Các cơ quan như Huyện ủy, UBND huyện… mới đang còn san ủi mặt bằng, đỏ màu đất mới. Cán bộ ăn ở ngay tại phòng làm việc, phía trước kê cái bàn, phía sau có cái giường cá nhân, cơm thì báo nhà ăn tập thể. Khi tôi lên công tác, anh em nhường cho cái giường duy nhất ấy, đi ngủ ké nơi khác. Tôi còn nhớ anh Lâm, Trưởng phòng Tài chính khi đó chỉ cho tôi nơi sẽ xây trụ sở, hội trường, nơi làm hồ điều hòa cho thị trấn… Tôi nhìn bãi đất mênh mông, bụi mù, miệng cứ dạ dạ liên hồi cho có mà chịu chả hình dung ra cái thị trấn sau này như thế nào.
Nghĩ cũng lạ, trong cuộc đời đi công tác nhiều nơi, nhưng không hiểu sao những lần đi công tác ở Khánh Sơn luôn neo mãi trong tâm trí. Những ngày đầu thành lập huyện vất vả đã đành, sau này khi thị trấn đã nên hình nên dáng thì tình cảm ấy vẫn không phai. Nhớ những ngày ấy, Báo Khánh Hòa có chủ trương nhờ anh em của các đài huyện gửi tin, bài cộng tác, đặc biệt ưu tiên miền núi Khánh Sơn. Đài Truyền thanh - Tiếp hình Khánh Sơn khi ấy có vợ chồng anh Ngô Mỹ, người vợ lấy bút danh A Sao rất siêng viết. Mỗi khi tôi có dịp đi Khánh Sơn, hôm trước luôn nhớ qua phòng bạn đọc nhận nhuận bút giùm cho anh chị, ghi tẩn mẩn từng số báo. Lên gặp nhau, anh chị coi tôi như người nhà. Nhận mấy đồng nhuận bút, anh xúc động lắm, nói chu đáo thế này thì anh phải ráng nữa. Nhớ chuyến đi công tác với đồng nghiệp bên KTV làm phóng sự về công tác phụ nữ dưới xã, chị Châu Thịnh làm xong, trước khi về mắt đỏ hoe, lục ba lô lấy hết quần áo mang theo ra cho…
Đài Truyền thanh - Tiếp hình Khánh Sơn xây dựng năm 1993. |
Chuyến đi để đời là đi Khánh Sơn cùng anh Thanh Sơn bên KTV sau khi cơn bão năm 1993 vừa tan. Anh em khi ấy đi nhờ xe UAZ của UBND tỉnh mới đi đường đèo được. Con đường đèo sau mưa bão lở lói, trơn tuột nên nhiều khúc chiếc xe cứ gầm lên, đuôi xe dịch ngang ra sát mép vực làm mọi người đứng tim. Chiều hôm sau quay về thì đèo tắc, do khúc cua gần đỉnh đèo có chiếc xe chở máy ủi bị trượt bánh bên mép vực. Tài xế khi đó nôn nóng, chạy lên đỉnh đèo mượn chiếc máy ủi của đội duy tu xuống kéo. Kéo sao mà chiếc xe tải đổ ập, làm chiếc máy xúc lăn như hòn đá xuống vực… Khi về nhà, KTV đưa tin vụ tai nạn, bạn đọc điện thoại tới tấp chất vấn có phải đài dàn dựng cảnh chiếc máy ủi lăn ầm xuống vực như vậy.
Mới đó đã gần 40 năm. Khánh Sơn ngày nay thay da đổi thịt từng ngày. Thị trấn Tô Hạp nay đã thành phố núi xinh xắn. Cây mía tím, sầu riêng đã trở thành thương hiệu của Khánh Sơn... Đó là thành quả của cả tỉnh bao năm qua triển khai chương trình kinh tế - xã hội miền núi, biết bao nguồn lực dành cho huyện. Đó là sự năng động của bao lớp cán bộ, trong đó có con em của thế hệ đầu tiên bám trụ Khánh Sơn. Một thế hệ gắn bó với quê mới Khánh Sơn đã hình thành, an cư lạc nghiệp. Câu chuyện đi công tác báo cơm tập thể, cán bộ ngóng cuối tuần “khuất núi” mãi mãi chỉ là kỷ niệm đẹp của một thời chưa xa.
THỦY NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin