19:57, 06/10/2023

Một thời mành ốc

KIM DUY

Thật khó có thể nhớ chính xác vị trí cửa hàng mỹ nghệ và thời gian tồn tại của nó trên đường Trần Phú khi giờ đây bờ biển xanh màu công viên.

Bản tin trên Báo Tuổi trẻ ngày 21-12-2015 vẫn còn trên Internet: “Trước đó, khi cho ngừng hoạt động của cửa hàng mỹ nghệ này, tỉnh đã có chủ trương giải tỏa để xây dựng công viên tạo không gian thoáng cho thành phố và bãi biển”.

Gia đình tác giả 
chụp ảnh trước Cửa hàng 
mỹ nghệ Nha Trang Tết năm Kỷ Tỵ.
Gia đình tác giả chụp ảnh trước Cửa hàng mỹ nghệ Nha Trang Tết năm Kỷ Tỵ - năm 1989.

Tấm hình gia đình tôi chụp ngày mùng một Tết năm Kỷ Tỵ - năm 1989, hai vợ chồng và con gái đầu lòng 5 tháng tuổi trước cửa hàng mỹ nghệ, dưới chân có chậu hoa cúc nhỏ không thể thiếu vào ngày Tết. Thời bao cấp, mặt tiền cửa hàng tô đá rửa, trông cũ kỹ, cửa gỗ khung kính có hình vài sinh vật biển nhưng sơ sài chứ không phải như những năm sau, cửa hàng được sơn sửa mới khang trang hơn. Tuy vậy, hồi ấy, đó là nơi biết bao gia đình đến chụp hình kỷ niệm ngày Tết, do những ông thợ chụp hình dạo ở bờ biển “đạo diễn”, chụp chỗ này, chỗ kia. Tôi nhớ bên trong cửa hàng có cái tủ kính bày những sản phẩm lưu niệm làm thủ công từ các loài ốc biển để bán cho khách du lịch.

Tự dưng tôi nhớ có một thời sản phẩm mành ốc là thế mạnh xuất khẩu của Nha Trang. Con ốc ruốc đã làm thay đổi cuộc sống của cư dân nhiều làng chài trong tỉnh, mà xóm Bầu, khóm Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên là một ví dụ.

Lên mành.

Ở vùng bãi Cây Xoài, Cầu Đá có một loại ốc ruốc nhỏ xíu như cái hạt xay, là nguyên liệu làm mành ốc. Một tháng có 8 ngày nước cạn, từ 13 đến 17 và từ 27 đến 30 âm lịch. Ngày nước cạn về sáng, từ 4 giờ 30, chị em phụ nữ rủ nhau đi cào ốc, nhưng cũng có ngày nước cạn về chiều thì từ 12 giờ trưa, chị em ngâm mình dưới nước cào mãi cho đến 6 giờ chiều. Ốc cào lên cho vào bao bỏ trên bờ, chờ đến 15 ngày thịt ốc phân hủy hết mới đem về bắt đầu công đoạn giặt. Bỏ ốc vào những thau nước to rồi xả cho đến khi nước thật trong thì đổ ra phơi. Ốc khô, đem vô đục lỗ, phân loại màu, xỏ ốc vào cước, lên mành…

Hồi đó, tôi hay đến nhà chị Tự, chủ nhân “Mành ốc Xuân Tự”, nghe chị kể chuyện làm mành ốc ban đầu rất trầy trật. Bắt đầu từ cái mành có cảnh hai con vịt, làm cái đầu cứ méo miết, làm đến tấm thứ ba mới hoàn chỉnh. Mành ốc làm xong đem ký gửi ở các cửa hàng mỹ nghệ. Bán được một tấm mành cực khổ như khi làm ra nó. Nhưng rồi nghĩ, công bỏ ra nhiều chớ của không nhiều, nghề này cũng chỉ là một nghề phụ nên cứ túc tắc làm, một tháng ký gửi 10 - 20 cái mành.

Thế rồi thời mở cửa, chủ hàng khắp nơi đến lấy hàng ngày càng nhiều, cả xóm ra sức làm, nghề mành ốc phát triển nhanh. Khi ấy, thị trường xuất khẩu là Trung Quốc, Pháp, Nhật, Nga… Không chỉ xóm Bầu, mành ốc lan ra khắp nơi, người dân vùng Cửa Bé, Bình Tân, các đảo Vũng Me, Bích Đầm, Trí Nguyên, Vũng Ngán, Đầm Bấy, Hòn Một… cũng nhộn nhịp làm mành ốc.

Cửa hàng mỹ nghệ cũ trên bãi biển Nha Trang.  Ảnh: Phan Sông Ngân
Cửa hàng mỹ nghệ cũ trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Phan Sông Ngân

Thời gian ấy, bước chân vào con hẻm 83 Trần Phú, Vĩnh Nguyên là thấy ốc ruốc. Sân nhà nào cũng có ốc đang phơi; trước hiên, người ngồi lặng lẽ xâu ốc, lựa ốc… Xóm Bầu còn là nơi tham quan của khách nước ngoài khi đến Nha Trang muốn tìm hiểu về nghề làm mành ốc mỹ nghệ thủ công.

Vừa rồi, tôi ghé đến xóm Bầu nói chuyện với vài chị ngày trước có làm mành ốc. Chị Thuận (53 tuổi) kể tôi nghe chuyện xưa: “Nghề mành ốc thịnh lâu lắm, cũng mấy chục năm, có lẽ bắt đầu từ những năm 1985. Tôi làm được mười mấy năm, bỏ chợ, đóng hàng đi khắp nơi, bỏ mối cho mấy cửa hàng mỹ nghệ. Hồi đó, ốc phơi từ trong xóm kéo dài lên đèo, phải thuê người gánh đi phơi. Nhà nào cũng làm ốc, xóm Bầu là đầu mối sản phẩm mành ốc, các nơi tới lấy, xuất đi các nước… Người nước ngoài đến xem họ thích lắm, họ đánh giá cao giá trị sản phẩm là do bàn tay người cặm cụi làm nên”.

Thời hoàng kim rồi cũng qua khi sản phẩm mành ốc không còn được ưa chuộng nữa và lùi vào dĩ vãng, để lại ký ức đẹp mỗi khi nhớ về. Riêng tôi, còn nhớ rõ cảm giác mát lạnh khi lướt tay qua tấm mành ốc và nghe âm thanh lào rào nho nhỏ vui tai...

KIM DUY