09:09, 18/09/2018

Tình thầy

Sao con lại giấu mẹ chuyện nộp hồ sơ xin việc lên miền núi. Ở đó mọi thứ đều thiếu thốn, con biết không? Giọng bà An run lên khi phân trần, giãi bày để con hiểu....

Cầm trên tay quyết định nhận công tác của con trai, bà An sững sờ: 
 

- Sao con lại giấu mẹ chuyện nộp hồ sơ xin việc lên miền núi. Ở đó mọi thứ đều thiếu thốn, con biết không? Giọng bà An run lên khi phân trần, giãi bày để con hiểu. Tuy hiểu cảm giác chờ đợi của con suốt từ khi tốt nghiệp ngành Sư phạm ra trường mấy năm nay vẫn chưa xin được việc, phải bươn chải hết làm thợ hồ lại chạy vạy bưng bê quán nhậu... nhưng khi con có quyết định được đi dạy học, lòng bà lại rối như tơ vò:

 
- Suy nghĩ lại đi con! Người ta làm trái nghề cũng đầy ra đó, miễn là được ở gần nhà, gần ba mẹ. Hay đợi một thời gian nữa xem sao, ba mẹ sẽ vay mượn thêm tiền xin cho con dạy ở trường huyện.
 
- Mẹ... Con lớn rồi. Mẹ đừng lo cho con nữa. Con quyết định rồi. Sáng mai con sẽ bắt xe lên miền núi nhận việc - Vinh ngắt lời mẹ. 
 
Hiểu tính con một khi đã quyết định điều gì là sẽ thực hiện tới cùng, bà An chỉ biết trải lòng:
 
- Nhà chỉ có hai chị em. Chị con lấy chồng, lập nghiệp trên thành phố. Con đi dạy học xa mấy chục cây số như thế, ba mẹ không yên tâm chút nào.
 
- Mẹ đừng lo gì cả. Nếu ai học ra trường cũng chỉ muốn dạy ở dưới xuôi, ở gần nhà thì học trò miền núi lấy ai dạy hả mẹ? Tội các em ấy lắm.
 
- Nhưng... Bà ngập ngừng nhìn con trai, bao nỗi lo sợ chất đầy trong suy nghĩ. Sợ con sẽ khổ! Sợ con cô đơn… Tính nói ra để con trai hiểu nỗi lòng mình, nhưng thấy con phấn chấn, hào hứng như thế, bà lại thôi.
 
Trái với bà, ông Bình, chồng bà lại vui vẻ, tự hào khi con trai xin được việc. Buổi tối trước ngày Vinh đi nhận việc, ông nhìn con dặn dò:
 
- Con cứ lên đó công tác. Mấy năm ròng rã đợi chờ mới xin được việc chứ đâu phải dễ. Thanh niên trai tráng thì phải đi đây đi đó cho nó dạn dĩ! Thế mới là sức trẻ, là thanh niên thời đại mới! 
 
Được ba ủng hộ, Vinh càng phấn chấn. Ngồi trong phòng sắp xếp đồ đạc, sách vở vào túi xách, nghĩ đến ba mẹ, nghĩ đến nơi mình sẽ đến, Vinh hít một hơi thở thật sâu. Hương ổi thơm nồng theo gió len qua khung cửa sổ vào phòng thật dễ chịu.
 
Trường tiểu học Vinh chuẩn bị đến nhận công tác nằm ở giữa hai ngọn núi, xung quanh là rừng rú, cây cối xanh um, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch... Đấy là Vinh nghe ông trưởng phòng giáo dục nói vậy khi giao tận tay quyết định cho anh. Ông còn vỗ vào vai Vinh nói: Cố gắng lên nhé anh bạn trẻ! Vinh không biết trong câu nói ấy là sẻ chia niềm vui với anh hay có ẩn ý gì khác, nhưng anh vẫn thấy rất vui. 
 
Sau ba giờ ngồi xe đò, Vinh xuống xe hỏi thăm và được cán bộ thôn dẫn anh đi bộ men theo con đường mòn đến trường. Mưa vừa tạnh, gió núi lùa ngang hương rừng mát lạnh. Vinh cảm nhận được một không gian núi rừng thoáng đãng nhưng trầm buồn. Trường học nằm sâu trong rừng. Theo lời anh cán bộ, Vinh cởi giày, xắn quần, lần đất, lần đá từ từ bước theo chỉ dẫn.
 
- Thầy giáo trẻ lên đây chúng tôi rất vui. Nhưng ở đây còn khó khăn lắm, biết thầy có chịu nổi không? 
 
Vừa nhìn đường đi, thi thoảng Vinh lại nhìn anh cán bộ dẫn đường, gượng cười:
 
- Dạ. Em sẽ cố gắng anh ạ! 
 
Thấy Vinh vững dạ, anh cán bộ thôn gật đầu cười rồi lại bước tiếp. Qua một đoạn đường đất và con suối dài, anh chỉ tay về phía trước: Trường kia rồi thầy giáo! 
 
Trước mắt Vinh là ngôi trường cũ nát và ọp ẹp được che tạm bằng phên nứa xiêu vẹo. Anh cũng nhìn thấy vài ba đứa trẻ loáng thoáng chạy ra chạy vào chơi đùa trên bãi đất trống giữa sân. Lại gần, trong tim anh rộn lên cảm giác khó nói thành lời. Vui, hồi hộp vì sắp sửa được lũ học trò gọi là thầy, nhưng thương sao đám học trò tội nghiệp khi chứng kiến cơ sở vật chất của trường thật tạm bợ, khó khăn.
 
Trước mặt anh là những đứa trẻ miền núi đen nhẻm, đứa chân đất, đứa đầu trần, đứa cõng địu em. Thấy anh, chúng tò mò rồi nhìn nhau ngơ ngác. Khi được anh cán bộ thôn giới thiệu rồi nhắc khéo, hai, ba đứa trong số chúng mới mấp máy môi: Chào... thầy! 
Vinh xoa đầu từng đứa, mỉm cười với chúng rồi theo chân anh cán bộ vào nhận việc.
Vinh được ban giám hiệu cho dùng phòng công vụ của trường để ở. Ngày đầu tiên Vinh lên lớp dạy, học sinh vắng teo, chỉ được năm, bảy em ngồi khoanh tay im bặt. Khi hỏi về các học sinh khác, có em bảo: các bạn ở nhà đi hái măng, hái đót với ba mẹ hết rồi. Vinh ngỡ ngàng.
 
- Bà con nơi đây chủ yếu đi rừng đi rẫy. Con em họ cũng vì mưu sinh nên thường đến lớp theo kiểu “giã gạo”. Mọi sự nhờ thầy cả. Thầy hiệu trưởng trường nói với Vinh như thế. Vinh chỉ biết cười trừ.
 
Những ngày đầu ở ngôi trường mới với Vinh thật nhiều khó khăn. Kể làm sao hết những lần đến tận nhà học trò thuyết phục phụ huynh cho con em họ đến lớp. Cuộc sống kham khổ, thiếu thốn đủ đường khiến Vinh đôi lúc muốn từ bỏ nơi này để về xuôi. Nhưng nhìn các em học trò lặn lội đường xa đến lớp; thấy các em vui sướng khi tự mình biết viết, biết đọc, biết tính toán; những khi chúng mang từ nhà đến đưa tận tay Vinh bó rau, túi quả trong vườn nhà trồng được, Vinh lại không nỡ xin nghỉ việc. Ngoài những buổi lên lớp, Vinh thường ra suối bắt cá. Bữa đưa cho em này một ít, bữa cho em khác một ít đem về cải thiện bữa ăn. Tình nghĩa thầy trò cứ vậy càng trở nên ấm áp.
 
Mấy hôm trước, ba mẹ Vinh lên thăm. Thương con, bà An lại khuyên con xin nghỉ việc về xuôi, vì Vinh là con trai duy nhất trong nhà. Nghĩ đến lời mẹ, suốt mấy đêm liền, Vinh trăn trở không thể nào chợp mắt.
 
Thời gian gắn bó với nơi đây có biết bao nhiêu kỷ niệm. Đêm về, bên ngọn đèn dầu, Vinh ghi vài dòng tâm sự vào cuốn nhật ký để lưu giữ trong cuộc đời làm nghề gõ đầu trẻ của mình. Có lẽ vì yêu nghề, thương học trò xóm núi này quá nên anh chẳng đành lòng bỏ nơi này để về xuôi dù trong trường vẫn có giáo viên xin thuyên chuyển xuống đồng bằng cho tiện đi lại. Anh cứ nghĩ, nếu ai cũng xin chuyển về xuôi thì lấy ai dạy bọn trẻ. Chúng khát chữ đến tội nghiệp lắm… Đang ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ, mấy đứa trẻ chạy lại Vinh xúm xít:
 
- Thầy... thầy có bỏ chúng em về xuôi như mấy thầy cô khác không? 
 
Ngắm nhìn từng khuôn mặt thơ ngây, lo lắng của chúng, Vinh cười trìu mến: Làm sao thầy có thể bỏ các em mà đi được! Đây là quê hương thứ hai của thầy. Thầy sẽ ở lại đây với các em… 
 
Cầm tay, xoa đầu từng đứa, cảm giác yêu thương, trìu mến lại ngập tràn trong lòng Vinh như buổi đầu anh đến nơi này nhận việc.
 
Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên