Thời gian qua, có những bộ phim truyền hình thu hút được sự chú ý của công chúng xem truyền hình như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân… và người ta tưởng phim truyền hình đã khởi sắc, đặc biệt là phim Việt.
Thời gian qua, có những bộ phim truyền hình thu hút được sự chú ý của công chúng xem truyền hình như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Tuổi thanh xuân… và người ta tưởng phim truyền hình đã khởi sắc, đặc biệt là phim Việt. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại, phần lớn phim truyền hình đã giảm chất lượng, tự mình đẩy về vị thế yếu trong các sản phẩm nghe nhìn so với các gameshow khác.
Trước hết là nhu cầu giải trí của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, công chức đã không còn phụ thuộc vào truyền hình nữa. Họ đều sử dụng Internet để kiếm nguồn giải trí khác, trong đó có các kho phim trực tuyến! Tiếp đến là nhịp sống làm việc tất bật, không mấy người đủ kiên nhẫn ngồi xem hết các tập phim. Vì thế, hiếm hoi lắm người ta mới có thể bắt nhịp hứng để theo một bộ phim dạng nhiều tập. Do vậy, vô hình chung công chúng thực sự của phim truyền hình hiện nay là những người già, người về hưu nông thôn rảnh rỗi thời gian. Đây là một sự thiên lệch hiển nhiên.
Vậy nên để có một bộ phim hút khán giả hôm nay trên truyền hình là rất khó khăn, ngoài chất lượng phim phải hấp dẫn, câu chuyện mới lạ, diễn biến nhanh và đột phá bất ngờ, thêm nữa phải hòa nhịp với nhu cầu giải trí của khán giả thế hệ mới đang dư thừa sản phẩm nghe nhìn. Tiếp tới là phải được quảng bá bằng mọi hình thức. Hiện nay, làm được tương đối tốt chỉ có VTV mới làm nổi vì nguồn lực tài chính mạnh, có đầu tư bài bản.
Bên cạnh số ít những bộ phim chất lượng, thu được lượng rating lớn (chỉ số người xem) thì số còn lại phim chiếu trên truyền hình hiện nay chất lượng rất thấp, nhạt nhòa. Nếu ai chịu khó xem một số phim chiếu (kể cả trên VTV) cũng nhận ra sự yếu kém, đó là có phim với nội dung rất cũ, tình tiết lê thê không có lượng thông tin. Có khi người xem nhín nhịn xem phim dở tới đâu?
Một bộ phim hay khâu đầu tiên phải là kịch bản, phim truyền hình cũng vậy. Nếu ở nước ngoài có hẳn một ê kíp bao gồm: ý tưởng - câu chuyện - tình huống và phát triển thì ở ta hầu như một kịch bản đều do một người. Tiếp theo đạo diễn là người triển khai bằng việc dỡ kịch bản để quay theo ý mình, mà tư duy đạo diễn thường khác với biên kịch nên dẫn đến phim bị biến thể hoàn toàn so với kịch bản ban đầu. Có giai đoạn nhiều nhà biên kịch cũng tranh đấu để đòi hỏi nhà sản xuất phải giữ được hình hài đứa con tinh thần của mình, tuy nhiên điều đó là vô vọng, do vậy đành buông xuôi, bán xong kịch bản là quên!
Trở lại khâu yếu của kịch bản phim truyền hình Việt hiện nay, đó là gần như thiếu những bộ phim có hơi thở cuộc sống hiện đại, hầu như nội dung cứ quanh quẩn chuyện gia đình: tranh giành tài sản, tráo con, lừa tình… Cái đáng buồn là có khi tới vài tập vẫn chưa giải quyết xong một chuyện nhỏ, chưa kể nhiều tình huống ngây ngô, mô típ cũ của thời trước. Với cuộc sống hiện nay, nếu xem phim dạng này, tính giải trí đâu không thấy nhưng chỉ thấy thêm mệt mỏi.
Vấn đề ở đây là lớp đội ngũ biên kịch của phim truyền hình hiện nay chưa theo kịp được với nhịp độ sản xuất bùng nổ của truyền hình, phần lớn họ chỉ là người biết kể chuyện và rải đều câu chuyện kéo dài ra cho đủ thời lượng. Căn bệnh cố hữu của người viết là chỉ biết xây dựng tình huống bằng những chuyện vụn vặt của cuộc sống như: hiểu lầm, ghen tuông hay mưu mô… Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là câu chuyện họ muốn kể dù muốn giấu nhưng với trình độ có hạn nên đều được người xem nắm được dẫn tới trở nên nhạt.
Kịch bản đã yếu, khâu sản xuất cũng không khá từ đạo diễn tới đội ngũ diễn viên. Có một sự thật hiện nay là các diễn viên hầu như không thuộc kịch bản, chỉ khi ráp phim trường diễn theo sự nhắc lời của thư ký. Đạo diễn cũng bị ảnh hưởng, mọi ý tưởng hay thì tốn kém, rất khó để nhà sản xuất đáp ứng. Tiến độ sản xuất cực nhanh, có ngày quay vài tập! Còn với nhà sản xuất, khi bỏ tiền đầu tư thì cũng rất bấp bênh vì thực tế có phim sản xuất ra phải xếp hàng chờ chiếu ở các đài lớn như: VTV, HTV, Vĩnh Long… vì chỉ những nơi này mới hút được lượng quảng cáo để thu hồi vốn đầu tư. Chính vì thế, hiện nay làm phim là một sự đầu tư tương đối mạo hiểm.
Với tất cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan đó, phim truyền hình đang giảm sút chất lượng là rõ ràng.
Dương Trang Hương