Một tuần trước khi có chuyến đi, anh Bí thư chi đoàn công ty đã thông báo kế hoạch cụ thể, do đó, cả mười hai người, ai nấy đều ăn mặc gọn gàng. Ba lô trên vai, đúng bảy giờ sáng, tất cả đều đã có mặt để lên đường.
Một tuần trước khi có chuyến đi, anh Bí thư chi đoàn công ty đã thông báo kế hoạch cụ thể, do đó, cả mười hai người, ai nấy đều ăn mặc gọn gàng. Ba lô trên vai, đúng bảy giờ sáng, tất cả đều đã có mặt để lên đường.
Về nguồn. Chi đoàn đã tổ chức một chuyến đi như thế này một lần rồi, vào mùa hè cách đây hai năm tại Hòn Dữ ở Khánh Vĩnh. Còn lần này sẽ là chiến khu Đồng Bò. Làm việc ở thành phố ngày nối ngày, nên ai cũng muốn thay đổi không khí bằng những chuyến đi. Với lại, tìm về nơi cha ông đã từng sống, chiến đấu đã làm cho ai nấy háo hức. Xe chạy ra ngoại ô mới một đoạn, mọi người đã rộn ràng. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”. Một giọng nam của ai đó trong xe bất ngờ xướng lên, thế là tất cả cùng hát vang. Bác Tám Khang, người đàn ông tóc bạc trắng, từng có những năm sống, chiến đấu tại chiến khu Đồng Bò được Chi đoàn mời đi cùng để giới thiệu cho anh em, đang ngồi ở đầu xe, cũng vỗ tay hát theo. Tuy đã già nhưng khuôn mặt bác trông rạng rỡ, có lẽ lâu lắm rồi bác mới được hòa vào không khí tươi trẻ thế này.
Chiến khu Đồng Bò |
Tôi ngồi ở dãy ghế cuối, cạnh Liên Huyền, cô bạn làm ở bộ phận kinh doanh của công ty. Huyền là một cô gái đẹp, hàng ngày rất sôi nổi, nhưng hôm nay, khi anh em hát vang sôi động thì cô bé lại ngồi im, mặt có vẻ căng thẳng, hai tay ôm chặt chiếc ba lô của mình.
- Sao thế, hôm nay có chuyện gì không vui hả? - Tôi hỏi.
- Đâu có! Đang vui mà…
- Xạo! - Tôi đáp rồi nhìn chiếc ba lô, hỏi - Đi có một ngày, ăn trưa Chi đoàn chuẩn bị rồi, mang thứ gì trong đó mà trông ba lô căng đầy vậy?
- Bí mật…
- Quần áo chứ gì? Đúng là con gái! Đi có chút mà cũng…
Huyền nhìn tôi, chỉ cười, rồi đưa mắt nhìn ra cửa nơi có những cánh rừng bạch đàn xanh lá đang trải dài.
Đến Trảng É, xe dừng lại trên khu đất bằng phẳng và dãy núi Đồng Bò sừng sững hiện rõ trước mặt. Từ đây, theo bước chân chú Tám Khang, chúng tôi bắt đầu đi bộ theo con đường mòn để rồi gần tiếng đồng hồ sau, tất cả đến khu vực núi rừng với những con dốc hiểm trở. Ở thành phố ít đi bộ nên trông Liên Huyền di chuyển hơi khó nhọc, trong khi phải mang theo chiếc ba lô hơi nặng.
- Đưa chiếc ba lô đây mình mang giúp cho! Tôi tiến tới gần Huyền và bảo. Thấy cô nàng ngần ngừ, tôi giục - Cứ đưa đây tớ mang cho! Đến nơi sẽ trả lại, không mở ra xem đâu mà sợ.
Tỏ vẻ đắn đo, nhưng đi mấy bước, Huyền dừng lại, cởi ba lô ra chuyển sang để tôi mang giúp.
- Thứ gì trong này mà nặng vậy?
Thấy đồ chứa trong ba lô hơi cứng, tôi đoán Huyền mang trái cây theo để mời anh em trong đoàn nên thôi không hỏi nữa mà lặng lẽ bước. Chiến khu Đồng Bò nằm cách TP. Nha Trang chỉ vỏn vẹn 5km tính theo đường chim bay, nhưng trong những năm chiến tranh, từ đây lực lượng của ta đã gây cho địch bao nỗi kinh hoàng. Đây là nơi mà thời chống Mỹ, địch gọi là “Mật khu Đá Hang” và được liệt vào danh sách những mật khu quan trọng, nguy hiểm đối với chúng. Bác Tám Khang từng chiến đấu ở đây trước ngày đất nước thống nhất nên khi giới thiệu cho chúng tôi, bác nói vanh vách, cứ như bác đã thuộc sẵn. Theo lời bác, sau cuộc chiến đấu ác liệt 100 ngày đêm ở mặt trận Nha Trang vào cuối năm 1945, khu vực Đồng Bò này đã trở thành một trong những nơi đứng chân của các đơn vị, cơ quan lãnh đạo thuộc thị xã Nha Trang và huyện Vĩnh Xương của tỉnh Khánh Hòa. Và cũng từ đây, vùng rừng núi hiểm trở này đã thành nơi để chỉ đạo phong trào cách mạng đối với Nha Trang và các vùng lân cận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Không chỉ được nghe bác Tám Khang kể, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những nơi mà cha ông một thời đã sống và đánh giặc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa mấy mươi năm nhưng bao chứng tích của một thời vẫn còn đây làm chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Này gộp Dây leo - nơi một cánh quân của ta đã tổ chức buổi lễ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để tiến vào Nha Trang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Này là gộp Thị ủy, gộp Đá hang, gộp Dốc Gáo…
Chúng tôi đến thăm hết di tích này đến di tích khác. Buổi trưa, bên bờ suối, theo lệnh của anh Bí thư chi đoàn, bữa ăn được dọn ra trên tấm ni lông đặt ở khu đất bằng phẳng. Tất cả các món được chuẩn bị sẵn từ nhà nên việc bày biện khá nhanh và ai nấy đã quây quần.
- Linh Huyền đâu rồi? - Trong lúc mọi người đang vui vẻ cười nói, bất ngờ Thủy Tiên, cô bạn làm bên bộ phận chăm sóc khách hàng nhìn quanh rồi cất tiếng hỏi.
- Ừ, đúng rồi, Huyền đâu?
Một người nữa cất tiếng hỏi theo và ai nấy đổ xô đi tìm.
- Huyền ơi?
Một tiếng gọi và sau đó nhiều tiếng gọi tìm Huyền vang lên cả cánh rừng.
Mọi người lo lắng, sợ Huyền trượt chân đâu đó. Tìm một lúc, chúng tôi mới nghe tiếng Huyền đáp lại.
Linh Huyền đang làm gì thế kia? Chúng tôi đến gần và ai nấy đều ngạc nhiên vì Huyền đang cúi đầu quỳ lạy trước một tảng đá bằng phẳng, trên đó bày biện mấy chiếc bánh chưng cùng nhiều loại trái cây và một nắm hương cháy dở, khói tỏa nghi ngút.
- Bà kia đang làm gì vậy? Đi đâu phải nói chứ? - Anh Bí thư chi đoàn không giấu được bực tức, vừa gặp Huyền đã quát ngay.
Huyền tỏ ra lúng túng, xin lỗi mọi người. Nhưng rồi tất cả lặng yên, khi nghe Huyền giải thích, ngày xưa ông ngoại Huyền đã chiến đấu và hy sinh ở nơi này. Nhân chuyến đi, Huyền đã mang lễ vật lên đây để cúng ông ngoại và đồng đội của ông đã hy sinh nhưng ngại mọi người nên không dám nói ra.
- Con à… Hình như không giấu được xúc động, bác Tám Khang nhìn Huyền nói với giọng chùng xuống, rồi bác tiến đến bên tảng đá, xếp tay trước ngực, khấn điều gì đó.
Chúng tôi chẳng ai bảo ai, cùng đứng lặng yên quanh nắm hương đang cháy. Mặt trời đã ở trên đỉnh đầu. Trên cao có tiếng chim kêu rất lạ. Bác Tám Khang cho biết đó là tiếng kêu của chim xanh, một loài chim thường sống trên núi cao…
. Truyện ngắn của ANH NGỌC