11:12, 12/12/2014

Lời thì thầm của biển

Nơi tôi sống là một làng chài ven biển. Tôi yêu biển bởi biển nuôi sống bao người, trong đó có gia đình tôi. Biển cho niềm vui, hạnh phúc và cả đau thương nhưng người ta vẫn một lòng ơn biển.

Nơi tôi sống là một làng chài ven biển. Tôi yêu biển bởi biển nuôi sống bao người, trong đó có gia đình tôi. Biển cho niềm vui, hạnh phúc và cả đau thương nhưng người ta vẫn một lòng ơn biển.  


- Em nghĩ gì mà trầm tư thế?


Anh vẫn thường hỏi tôi như vậy mỗi khi về phép và ngồi bên nhau.


- Em nghĩ về đảo xa. Về nơi ngày mai anh đến đó.


- Cũng như nơi này thôi em à. Khác chăng là nơi đó toàn lính là lính...


- Thế những lúc không phải canh gác thì anh làm gì?


- Đến với biển nhưng không phải để ngồi nhớ tình yêu mà là giăng câu thả lưới.


Anh nheo mắt láu lỉnh nhìn tôi, cười cười.


Gia đình chúng tôi nghèo, cái nghèo muôn năm cũ của đời dân chài, của đời sương gió, muốn thoát ra nhưng chẳng thể đành bám biển để sinh tồn. Ở đó, nỗi đợi chờ luôn dài hơn cả và mọi sự trở về đều là hạnh phúc của cả dân làng. Làng không có nhiều người học hành tới nơi tới chốn. Anh là người duy nhất tốt nghiệp trung học phổ thông và đang công tác ngoài đảo xa.


Ba tôi và ba anh là đôi bạn chài thân thiết, luôn chia sẻ gian lao cùng biển trong những lần biển được mùa rồi cả những mất mát đau thương.


- Ông ngồi thế thì không cảm được con cá rút mồi - Ba anh nói với ba tôi.


- Thòng hai chân qua thành tàu như ông chứ gì?


- Chỉ có cách đó thì ông mới có chỗ gác tay cần được chứ, mới nghe mồi động.


Vì là đêm, không có đèn soi thì chỉ còn cách câu chìm, nghĩa là câu không có phao nên sợi cước lúc nào cũng căng, chỉ cần con cá đội mồi lên hay dìm mồi xuống thì người câu đều dễ dàng nhận biết. Đó là tư thế mà ba tôi và ba anh ngồi câu và luôn bắt được những con cá lớn. Đó cũng là niềm vui của hai gia đình khi tàu về, bù lại những lúc lo âu đợi chờ của vợ và các con. Những lúc đó, người ta thường thấy những người phụ nữ dắt con đi dọc dài theo bờ biển, mắt nhìn ra khơi, buồn buồn. Rồi nỗi buồn ấy bật dậy thành tiếng khóc khi người ta khiêng ba tôi và ba anh lên bờ và chuyển nhanh đến bệnh viện. Hai đôi chân của hai người đã để lại dưới biển khi một tàu lạ đâm thẳng vào mạn thuyền của họ cũng một đêm trời tối như bưng.


- Tết này anh có về không? - Tôi hỏi anh.


- Đúng ra là anh được về nhưng anh nhường cho anh em khác.


- Thế anh không thương ông bà già sao?


- Có chứ, nhưng vài tháng nữa là anh xuất ngũ rồi, ăn thêm một cái Tết ở đảo anh thấy cũng hay.


Thì ra là thế. Tôi cười sung sướng vì tình yêu tôi chọn không lầm. Hình như anh cũng hạnh phúc khi thấy tôi cười bởi tiếng cười hầu như đã xa cách tôi từ khi ba mất đôi chân. Từ khi mọi lo toan trong gia đình đổ ập lên vai mẹ, và tôi cũng không có thể đứng nhìn. Tôi thành cô hàng cá từ đó. Cũng từ đó gia đình tôi và anh thương yêu nhau hơn, có bát canh ngon cũng chia ngọt, củ khoai cũng chia bùi. Còn anh thì luôn bên cạnh tôi khi không có gì để làm, giúp tôi những công việc nặng. Tình yêu của chúng tôi có lẽ cũng bắt nguồn từ những điều vu vơ như thế. Tôi cảm thấy yên ổn và hạnh phúc dù chúng tôi còn rất trẻ, dù chúng tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.


- Có một cơ quan trên thị xã đã đồng ý tiếp nhận anh khi anh xuất ngũ. Mình sẽ lên thành phố sống em nhé - Anh se sẽ thăm dò.


- Em biết rồi nhưng em không thể, em còn mẹ già, cha tật nguyền...


- Hoàn cảnh anh cũng thế.


- Anh có thể đưa ông bà lên đó chung sống với anh. Còn em thì không thể...


Anh đưa mắt nhìn về xa xôi dẫu biển của chúng tôi chỉ là cái vịnh nhỏ. Tôi cũng thả hồn theo những con sóng rượt đuổi nhau rồi lặn mất khi chạm vào bờ. Hình như chúng đang chơi trò kiếm tìm. Giống như tình yêu của tôi và anh chăng, bởi tôi cũng thấy mình là con sóng, sẽ vỡ tan khi va vấp ngang trái cuộc đời. Hai dòng nước mắt tự dưng trào. Biển mênh mông quá còn tôi thì bé nhỏ. Chỉ duy nhất một tia hy vọng nhưng khá mỏng manh để cho tình yêu của tôi nắm níu vào, đó là câu nói của mẹ anh mà tôi nghe được:


- Đâu phải cứ là nhân viên nhà nước thì mới yêu nước hả con. Bám biển, giữ biển như cha con từng làm cũng yêu nước vậy. Đó là suy nghĩ của mẹ nhưng cũng là suy nghĩ của đa số dân làng chài này. Không có người mẹ nào muốn con vất vả nguy nan nhưng biển đã nuôi sống gia đình ta bao đời. Ơn biển biết làm sao trả nhưng tùy con, con phải tự quyết định tương lai của mình mà không phải ai khác.


Chiều xuống chậm, ánh nắng như còn bịn rịn không muốn giã từ những con sóng lao xao, nhấp nhô. Những con sóng nối đuôi nhau đi vào quên lãng để lại cho người ta nỗi nhớ da diết khi phải rời xa. Níu tay nhau đứng lên, bỏ lại sau lưng tiếng thì thầm của biển, tôi chợt nhận ra rằng con đường nào cũng có những lối rẽ không tên...


Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu