Tháng 4-1975 đối với tôi chỉ là một giấc mơ, bởi khi đó tôi chỉ mới 10 tuổi. Tôi chỉ biết rằng ba tôi đã đưa cả gia đình lên tàu trong đêm rời bỏ quê hương một cách vội vã, khi đó thành phố có cả ngàn trái hỏa châu cứ liên tục bung sáng trên bầu trời.
Tháng 4-1975 đối với tôi chỉ là một giấc mơ, bởi khi đó tôi chỉ mới 10 tuổi. Tôi chỉ biết rằng ba tôi đã đưa cả gia đình lên tàu trong đêm rời bỏ quê hương một cách vội vã, khi đó thành phố có cả ngàn trái hỏa châu cứ liên tục bung sáng trên bầu trời. Tôi hồn nhiên đùa giỡn với những người bạn cùng lứa trên chiếc tàu chen kín người giữa đại dương mênh mông mà không biết rằng mình đang bắt đầu xa quê hương. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu rằng đó là những chuyến vượt biên đầy máu và nước mắt. Chuyến đi của gia đình tôi gặp nhiều may mắn, được Hạm đội số 7 vớt giữa biển khơi trong khi con tàu mỏng manh như không thể chống chọi với những con sóng biển lớn, lương thực mang theo cạn dần, có thể sẽ bị chìm giữa biển. Gia đình tôi và nhiều gia đình khác được đưa đến định cư tại Cali sau một thời gian ở trại tị nạn. Tất cả những chuyện đó giống như cuốn phim mờ nhạt trong trí óc tôi, bởi ở tuổi lên 10, tôi chưa ý thức được rằng mình không có quyền chọn lựa đi đâu và về đâu - chính ba mẹ đã quyết định số phận cho tôi.
Lớn lên, tôi sống trong một cộng đồng người Việt tha phương. Tôi hiểu được rằng mình còn có một quê hương cần phải trở về. Tôi hòa nhập nhanh chóng cuộc sống mới, trong khi ba mẹ tôi làm đủ mọi nghề để nuôi ba anh em tôi. Rồi tôi đậu đại học, tấm bằng kỹ sư đủ cho tôi chen cùng với những người bản xứ để kiếm sống. Những con đường xe cộ chạy theo một tốc độ quy định, những công viên đầy hoa cỏ và những con chim bồ câu bay tung là xứ người. Nhưng những buổi họp mặt bạn bè cùng những chuyến đi - về của mọi người khiến tôi mang trong lòng mình nỗi nao nức tìm gặp. Có điều người ta trở về quê hương để thăm bà con ruột thịt; còn gia đình tôi lại giống như không có nguồn cội. Ba tôi mồ côi cha mẹ, mẹ tôi là con một trong gia đình, sau ngày giải phóng vài năm thì ông bà ngoại qua đời. Tôi chẳng có cô cậu, chú bác nên không có người thân để tìm về.
Ngày xưa, thời điểm đưa cả gia đình vượt biên, ba tôi còn trẻ, còn nhiều khát vọng và có một cái nhìn khác. Nhưng rồi khi đầu tóc ông đã bạc phơ, khi đã thấm thía nỗi đau của con chim không có tổ, nỗi đau của con người không nguồn cội, ông nói với tôi: “Con phải về Việt Nam, con ạ, dẫu chỉ để đi trên đường phố hay ngồi uống một ly cà phê ở góc quán nào đó. Ba sẽ đưa con về”. Nhưng lời hứa của ba không thực hiện được. Ông bị bệnh nặng. Một khối u ác tính nằm trong lồng ngực ông từ lâu, đến lúc phát hiện nó thì không còn phương cứu chữa. Trước khi nhắm mắt, ông trăn trối với mẹ và tôi: “Ngày tôi chết, tất cả tiền phúng điếu, bà và con nhớ giữ lại, nếu có về Việt Nam thì hãy dùng nó vào việc từ thiện. Bà con mình còn nhiều người cần được giúp đỡ”. Ông lặng lẽ qua đời vào một chiều thu. Đường phố như nhuộm đầy lá vàng để tiễn đưa ông sau hơn 20 năm tha phương mà vẫn chưa có một chuyến trở về.
Lạ kỳ là tôi mang trong lòng một nỗi nôn nao thật sự khi chuyến bay hạ xuống phi trường. Chẳng có một người nào đón tôi trong dòng người chen lấn bên hành lang sân bay với những nụ cười, những cái vẫy tay và cả những bó hoa tươi thắm. Bởi đơn giản vì tôi không có một người thân nào ở quê hương.
Cô gái phụ trách lễ tân ở khách sạn ngạc nhiên khi biết tôi về Việt Nam lần đầu: “Em thấy ai cũng có bà con đưa về nhà, còn anh sao lại ở đây?”. Tôi cười buồn: “Thì ở đây đã là nhà”. Ừ, nghĩ cho cùng thì tôi đang ở trong lòng quê hương của mình rồi, có điều khác là tôi không có lấy một người thân thích để thăm viếng, tôi chỉ có một mình. Tôi về vì nao nức muốn tìm lại nguồn cội của mình sau bao năm xa lìa. Tôi về một phần vì lời hứa với ba tôi trước khi ông nhắm mắt: Đem số tiền phúng điếu và một số tiền do ông dành dụm riêng về Việt Nam để tặng cho quỹ mổ mắt người nghèo.
Cô gái hướng dẫn tôi tại Trung tâm bảo trợ bệnh nhân nghèo trông nhỏ xíu. Gương mặt cô hồng hào và hồn nhiên. “Xin giới thiệu em tên là Quảng Nam, em có thể giúp gì được cho anh”. Mãi về sau, khi quen thân nhau, tôi mới biết cái tên Quảng Nam là do ba em đặt vì ông là người Quảng Nam vào thành phố sinh sống đã lâu, đặt tên con để nhớ về nơi quê cha. Quảng Nam tận tình: “Tụi em sẽ có một buổi lễ nhỏ nhận số tiền mà anh chuyển giao. Tuần sau chúng em cũng có một chuyến đi dài ngày với các bác sĩ mổ mắt cho bệnh nhân nghèo. Nếu anh có thời gian thì em mời đi cùng”.
Thế rồi không biết làm gì cho hết những ngày ở Việt Nam, tôi theo đoàn cứu trợ bệnh nhân nghèo tham gia chương trình mổ mắt. Quảng Nam chở tôi trên chiếc xe gắn máy của em. Tôi không theo ô tô của đoàn bởi tôi thích ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài. Lạ cho tôi khi có cảm giác như mình đang thật sự sống với mình khi theo Nam đi đến miền quê thăm người nghèo. Tôi cảm thấy như gió thổi lộng kia đang đưa vào lồng ngực tôi mùi hương cây cỏ bao năm rồi giữ lại, đợi tôi về mới tỏa ra...
Sau mấy ngày đi mổ mắt cho bệnh nhân, Quảng Nam nói: “Anh tới nhà em ở vài ngày nếu anh thích. Không phải vì anh là Việt kiều mà em mời đâu. Tại vì em thấy thương anh quá khi không có một ngôi nhà để trở về”. Quả thật, tôi chẳng có một ngôi nhà nào để trở về. Tôi thèm thật sự một bữa cơm gia đình, thèm nghe tiếng cửa mở kẽo kẹt, thèm cả tiếng bước chân đi trên bậc thềm.
Mấy ngày cuối cùng ở Việt Nam tôi thật sự vui. Vui vì theo ba em đi tát đìa, theo ra vườn thăm cây trái. Nhà em nằm ở ngoại ô thành phố. Em mơ sau này trở thành bác sĩ, nhưng mộng chỉ được nửa đường là trở thành y tá. Em lý luận: “Y tá cũng làm ngành Y, cũng là cứu người. Thế là đủ” Hàng ngày, Quảng Nam đi làm ở bệnh viện, chỉ trừ Chủ nhật ở nhà. Ba em nói: “Con nhỏ kén chọn lắm, nó nói chỉ khi nào gặp người đàn ông thật sự yêu thương nó mới lấy làm chồng”. Trong căn nhà ngoại ô, mỗi chiều về tôi lại có thói quen ra đầu con đường ngóng đợi em đi làm về, xúm xít lặt rau phụ em nấu ăn. Căn nhà hai người, thêm tôi nữa như vui hơn.
* * *
Tôi rời khỏi Việt Nam đã có người đưa tiễn. Đó là anh chị trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố, và dĩ nhiên có cả Quảng Nam. Trong khói sương của buổi chiều quê hương, lời em vọng lại: “Phải chi có nhiều tiền, mình giúp mổ mắt hết cho người nghèo, anh há”. Và nữa, tôi cảm thấy rất nhớ em, cho nên tôi sẽ trở về. Tôi nói với em: “Anh sẽ kiếm tiền về để cho nhiều người được mổ mắt”. Còn câu này tôi chưa dám nói: “Và bởi vì em cũng chính là quê hương của anh”.
Tôi cũng chỉ là một ngọn sóng tìm về bến bãi trong đại dương mênh mông. Quảng Nam chính là người đưa tôi về bến bãi. Tôi đã viết sẵn một lá thư và sẽ đưa cho em khi tôi vào phòng đợi. Tôi mơ ước trong chuyến về kế tiếp, em sẽ ra sân bay đón. Tôi và em lại cùng đi mổ mắt cho những người nghèo.
Truyện ngắn: Khuê Việt Trường