21:50, 15/10/2024

Văn hóa đọc và đọc sách có văn hóa

CHẾ DIỄM TRÂM

Tập phê bình - tiểu luận dày 350 trang có tựa đề Văn hóa đọc và đọc văn hóa của nhà nghiên cứu - phê bình, nhà báo Phạm Phú Phong vừa được Nhà xuất bản Đại học Huế ấn hành vào đầu tháng 9-2024. Cuốn sách gồm 25 bài viết, chia làm 2 phần, chủ yếu là phê bình và nghiên cứu văn học. Tựa cuốn sách là tên của 1 trong số 25 tiểu luận. Khi chọn tên bài viết Văn hóa đọc và đọc văn hóa để đặt tên cho toàn tập sách, tác giả Phạm Phú Phong có dụng ý nâng việc đọc sách văn học, nhất là sách nghiên cứu, phê bình văn học lên thành văn hóa đọc, lưu ý bạn đọc về cách đọc sách có văn hóa. 

 

Phần thứ nhất Đọc những trang văn gồm 10 bài dựng chân dung 10 tác giả sau khi đọc sách của họ. Đó là chân dung các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình Thiếu Sơn qua Phê bình và cảo luận; Phong Lê qua Hai mươi nhà văn - nhà văn hóa Việt thế kỷ XX; Trần Hữu Tá qua Chân dung 25 người thầy; Huỳnh Như Phương qua Hãy cầm lấy và đọc, Nguyễn Thị Thanh Xuân qua Gửi đây chút duyên tình đọc; Georges Bataille (Pháp) qua Văn học và cái ác; Nguyễn Hữu Sơn qua Luận bình văn chương; Nguyễn Phước Hải Trung qua Thơ vua và suy ngẫm; Nguyễn Thị Tuyết qua Người Mỹ da đen trong bản đồ văn học Mỹ. Riêng nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Việt Thắng được tác giả dựng chân dung qua tất cả sách nghiên cứu trên cả 2 thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Ngoài ra, phần này còn có một bài viết sau khi đọc tuyển tập Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Huế từ năm 2000.

Những tiểu luận trong phần thứ nhất là cách đọc sách phê bình văn học, thường được gọi nôm na là phê bình của phê bình. Đây là công việc khó, khổ vì người viết đồng thời phải đọc sách, tiểu luận phê bình và đọc cả tác phẩm được phê bình, việc nào cũng đòi hỏi sự nghiêm túc, công phu. Tác giả Phạm Phú Phong đã tỏ rõ kiến văn sâu rộng, sở trường phê bình sắc sảo, nhất là cách đọc sách có văn hóa - “đọc có sự suy ngẫm từ trang đầu đến trang cuối, có sự so sánh, đối chiếu, liên tưởng có tính chất liên văn bản…”. Điều đáng trân trọng nhất có lẽ là cách viết phê bình “tỏa ra hơi ấm nồng nàn, chứ không nguội lạnh tro than” như cách ông nhận xét về tác giả của 18 chân dung văn học - từ một cái nhìn phác thảo. 

Từ những trang văn của phần 1, sang phần 2 Thăm những ngôi nhà, phạm vi nghiên cứu, phê bình bao quát, vĩ mô hơn: Lý luận văn học, lịch sử văn học. Phần này gồm 14 tiểu luận, trong đó có 4 tiểu luận về lý luận văn học (Đặc trưng văn học, Tiến trình văn học - khái niệm và quy luật, Truyện ngắn và tiểu thuyết - khái niệm và thể loại, Mỹ học và phân tâm học - từ góc nhìn tham chiếu). Về lịch sử văn học, tác giả Phạm Phú Phong đã khảo sát, khái quát tiến trình văn học 30 năm đổi mới (1986 - 2016), phê bình văn học miền Trung, văn học Huế 1900 - 1945, văn học viết Hội An trong tiến trình hiện đại hóa, 30 năm văn học đô thị Nha Trang (1945 - 1975), văn học kháng chiến Liên khu V, văn học kháng chiến Nam Bộ, văn học miền Trung nửa đầu và nửa sau thế kỷ XX… Giá trị của phần này là ở khả năng tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, xử lý, chọn lọc tư liệu, khái quát hóa lịch sử đối tượng kèm theo nhiều nhận xét, đánh giá sắc sảo, tinh tế. 

Ở mỗi bài viết, ngoài việc giật tít rất đắt - đặc trưng của báo chí - tác giả còn chọn lọc một câu danh ngôn về hoạt động đọc, về sách, về văn hóa… Chẳng hạn, dưới nhan đề bài viết Văn hóa đọc và đọc văn hóa là câu nói của Joseph Alidison: “Việc đọc sách đối với trí tuệ cũng có tác dụng như tập thể dục đối với thân thể”. Chính vì thế, tập sách càng phát huy tác dụng khích lệ bạn đọc đọc sách, nhất là sách văn học, sách nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học.

CHẾ DIỄM TRÂM