Mới đây, trong chuyến công tác tại TP. Nha Trang, Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có cuộc trò chuyện với Báo Khánh Hòa về một số nội dung liên quan đến thị trường điện ảnh ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan. |
- Lâu nay, công chúng vẫn băn khoăn trước hiện tượng có những bộ phim rất ăn khách, doanh thu cao nhưng lại không được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngược lại, có những phim đạt giải cao tại các liên hoan, cuộc thi nhưng công chúng lại ít biết đến, thậm chí ít quan tâm. Theo bà, chúng ta cần nhận diện hiện tượng này như thế nào?
- Điện ảnh Việt Nam đang tồn tại 3 dòng phim chính: Phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước (như: Đời cát, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Truyền thuyết quán tiên, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Trăng nơi đáy giếng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đào - phở và piano…); phim thương mại giải trí do hãng phim tư nhân sản xuất (Em chưa 18, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu, Tiệc trăng máu, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai…); phim nghệ thuật độc lập (Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Song lang, Đêm tối rực rỡ, Bi đừng sợ, Đập cánh giữa không trung…). Có thể thấy, các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất với mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thường chứa đựng những thông điệp mang tính lịch sử hoặc xã hội, đôi khi mang màu sắc tuyên truyền và không coi trọng yếu tố thu hút khán giả. Phim do tư nhân sản xuất được xem là dòng phim thương mại, giải trí nên thường đặt yếu tố ăn khách lên hàng đầu. Cho dù phim thuộc thể loại nào, đề tài nào thì nhà sản xuất cũng đều cố gắng tìm mọi cách lôi cuốn khán giả để đạt mục tiêu doanh thu lớn, lợi nhuận cao. Với phim nghệ thuật độc lập gần như không thu hút được khán giả nên việc công chiếu cho khán giả xem cũng rất hạn chế, chủ yếu đi tham dự những liên hoan phim quốc tế. Thực tế này cũng là hiện tượng chung của điện ảnh thế giới. Nhận diện được rõ ràng 3 dòng phim như trên, công chúng khi tiếp nhận những tác phẩm điện ảnh mới sẽ phần nào tự lý giải được cho bản thân về “số phận” của từng phim sẽ như thế nào, để nếu có sự so sánh thì nên so sánh những tác phẩm trong cùng dòng phim mới hạn chế được sự khập khiễng. Tất nhiên, việc phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối bởi vẫn có những nhà sản xuất, đạo diễn làm phim Nhà nước đặt hàng nhưng vẫn cố gắng để phim hấp dẫn, được đông đảo khán giả đón nhận. Điều này cũng tương tự như việc các bộ phim tư nhân sản xuất ngày càng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng nghệ thuật, tiết giảm những yếu tố vẫn được gọi là “xàm”, “nhảm”.
- Bà có thể chia sẻ rõ hơn về thành công của các bộ phim Nhà nước đặt hàng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay gần đây nhất là phim Đào - phở và piano?
- Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đầu tiên có sự kết hợp rất thú vị giữa việc Nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất và đã lập kỷ lục doanh thu bán vé tại thời điểm phát hành với hơn 80 tỷ đồng chỉ trong một tháng. Đây là phim đặt hàng có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Trong thời điểm làn sóng dư luận chỉ trích những bộ phim đặt hàng của Nhà nước có vẻ khô khan, không thu hút khán giả, không bán được vé thì sự xuất hiện của bộ phim như một dòng nước mát lành dung hòa được yếu tố thương mại, giải trí với những tiêu chí của đơn đặt hàng. Phim Đào - phở và piano tạo nên cơn sốt phòng vé thời gian qua là hoàn toàn do “ăn may”. Hãng phim và cơ quan quản lý quyết định đưa phim ra rạp đúng vào mùng 1 Tết nhưng không có chút động thái quảng bá nào một cách bài bản, việc công chiếu phim đơn thuần mang yếu tố hành chính và là một khâu cho đủ trình tự thủ tục. Vậy nên, cả tuần đầu tiên, phim chỉ bán được khoảng 100 vé/ngày, với số tiền thu được vài triệu đồng. Chỉ đến khi có một tiktoker đưa hình ảnh và bình luận về phim rồi đưa lên mạng xã hội thì Đào - phở và piano mới bất ngờ nổi tiếng, tạo hiệu ứng mạnh chưa từng thấy. Nhờ sự quảng bá “ăn may” đó mà bộ phim tạo nên một hiện tượng lạ đối với dòng phim đề tài chiến tranh cách mạng do Nhà nước đặt hàng nhưng lại được công chúng quan tâm đặc biệt. Dù thu hút khán giả bằng cách này hay cách khác, nhưng một điều đáng mừng là những cơn sốt của hai bộ phim này đều đã đem lại niềm tin về khán giả, nhất là khán giả trẻ. Qua đây, chúng ta thấy được khán giả không quay lưng với phim chính luận, điều quan trọng là những người làm phim cần phải biết cách để sáng tạo nên những tác phẩm điện ảnh phù hợp thị hiếu công chúng, có chiến lược quảng bá, giới thiệu bài bản.
Diễn viên Nhật Kim Anh giao lưu với khán giả trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng năm 2023 tại Nha Trang. Ảnh: VĨNH THÀNH |
- Theo bà, để những địa phương như Khánh Hòa phát triển hoạt động điện ảnh theo hướng thị trường thì cần phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?
- Ở nước ta, ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được xem là hai trung tâm điện ảnh của Việt Nam khi có nhiều hãng phim, nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh, rạp chiếu phim, cũng như lực lượng nhân sự đông đảo tham gia hoạt động điện ảnh, phim truyền hình. Còn lại các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Khánh Hòa thì việc tham gia thị trường điện ảnh vẫn dừng lại ở một số “công đoạn” nhất định trong hệ thống sản xuất phim. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa có thể xây dựng những phim trường quy mô để thu hút các đoàn phim trong nước và quốc tế đến thực hiện các cảnh quay ở đây. Minh chứng cho thấy, sau khi phim “Kong: Skull Island” được công chiếu, đã có rất nhiều du khách tìm đến khám phá, tìm hiểu những phim trường đã được sử dụng để quay các cảnh phim ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình. Còn trên thế giới, có rất nhiều phim trường cũng đồng thời là những điểm du lịch hút khách như phim trường Forest of Wisdom (Hàn Quốc), phim trường Hoành Điếm, Di Hòa Viên, Vô Tích (Trung Quốc)… Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng nên có những chính sách hỗ trợ, thu hút các đoàn làm phim đến quay các cảnh phim trên địa bàn, nhất là những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp, di tích văn hóa, lịch sử độc đáo.
Với những lợi thế của mình, tỉnh Khánh Hòa cũng có thể trở thành một địa điểm để tổ chức thường xuyên, thường niên các sự kiện liên quan đến hoạt động điện ảnh mang tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó, sẽ có nhiều nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên… đến với Nha Trang - Khánh Hòa. Việc tỉnh Khánh Hòa hợp tác với Hội Điện ảnh Việt Nam để tổ chức lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng có thể xem là bước khởi đầu. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng có thể trở thành một nơi “tiêu thụ” các tác phẩm điện ảnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có rạp phim của các doanh nghiệp như: Lotte Cinema, CGV, Beta Cinemas, Galaxy Cinema… nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ, số lượng còn hạn chế. Tôi thấy ở Khánh Hòa có nhiều điều kiện để tham gia thị trường điện ảnh, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc cần làm.
- Xin cảm ơn bà!
GIANG ĐÌNH (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin