23:14, 01/03/2024

Thương người làm phim thời nay

DƯƠNG MY ANH

Phim Đất rừng Phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) khi vừa ra rạp đã bị những bài viết trên mạng xã hội phê bình về chi tiết lịch sử, trang phục nhân vật, rồi bị quy kết: “Xuyên tạc lịch sử!”. Để rồi sau đó, Cục Điện ảnh đề nghị nhà làm phim sửa lại một lời thoại trong phim cho chuẩn! Thật tiếc khi một bộ phim có tính chất sử thi hoành tráng bậc nhất về miền đất Nam Bộ tưởng sẽ thành công về nghệ thuật và doanh thu lại suýt bị “đuối nước”. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm bộ phim này cũng không hề dễ dàng. Anh cầm kịch bản hơn 5 năm nhưng không sao tìm được nhà đầu tư vì vốn quá lớn, mãi đến năm 2021 mới có nhà đầu tư tham gia góp vốn, trong đó có Trấn Thành. Trong phim, công chúng mãn nhãn với những cảnh quay lớn như chợ nổi miền sông nước đầu thế kỷ XX. Đạo diễn đã cho xây hàng trăm ngôi nhà bên sông, đóng mới gần 300 chiếc xuồng ba lá, may hàng nghìn bộ áo quần, mời hàng nghìn diễn viên quần chúng để quay, đến những chiếc xe ô tô, súng ống, trang phục quân Pháp cũng phải siêu cổ. Có thể nói, việc đầu tư cho bối cảnh phim tốn nhiều tỷ đồng. Rồi phim quay khi dịch Covid-19 bắt đầu chớm nên càng khó khăn. Để có các đại cảnh, đạo diễn cùng đồng sự phải quần quật suốt đêm ngày cả tháng trời ở phim trường Trà Sư!

  Đạo diễn Phi Tiến Sơn giao lưu với khán giả tại Liên hoan phim lần thứ XXIII tại TP. Đà Lạt vào tháng 11-2023.

Việc làm phim đầu tư cảnh tốn kém như trên không xa lạ gì với giới làm phim lâu nay. Để phim có thể ra rạp còn phải chi phí rất lớn cho truyền thông, hệ thống phát hành… nên khi ra mắt hầu như các nhà làm phim đều mong hòa vốn, sau mới đến lãi. Thế nên, nếu vì lý do nào đó phim không phát hành đúng dự kiến hay ế thì coi như… phá sản. Xét về kinh tế thì một bộ phim không thành công là một dự án thua lỗ, làm ảnh hưởng lâu dài cho các dự án tương lai.

Với phim đặt hàng của Nhà nước, nhiều người nghĩ phim được giao tiền chắc sướng lắm! Thực tế không hẳn, trước đây đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh khi làm phim Thương nhớ đồng quê được Đài NHK Nhật Bản tài trợ kinh phí sản xuất từ máy quay, phim tốt và in tráng hậu kỳ tại Nhật. Theo ông, để có tiền phải qua nhiều thủ tục vô cùng phức tạp, không phải tiền rót thẳng cho đạo diễn làm thoải mái. Khoản kinh phí bị chia năm xẻ bảy như phải trích tiền cho đơn vị chủ quản là hãng phim, nên khi tiền đến đoàn phim chỉ còn một phần. Hiện nay cũng thế, kinh phí tài trợ cũng không bao giờ xông xênh để đạo diễn làm theo ý mình.

Có ý kiến cho rằng, nhà làm phim được tài trợ chỉ sản xuất phim xong rồi trả hàng cho đơn vị cấp tiền, mặc cho việc phát hành ra sao. Tuy nhiên, với nhiều đạo diễn, đây chính là nỗi đau lớn hơn cả khi phim thất bại. Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân kể, phim Đời cát nổi tiếng của ông khi công chiếu rất âm thầm vì không có một đồng nào dành cho truyền thông. Chỉ khi phim đạt giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương thì mới đắt khách.

Hiện nay, hàng năm chỉ có từ 1 đến 2 phim đặt hàng nhưng không có tiền để làm truyền thông. Phim sản xuất xong cùng lắm nhà làm phim chỉ chiếu 1 buổi chiêu đãi giới trong nghề và số ít giới báo chí, sau đó nộp sản phẩm cho đơn vị cấp tiền giữ. Họ không thể tự mình đem phim đi gửi nhà phát hành tại rạp. Không chỉ đạo diễn, các diễn viên cũng buồn vì phim có mình tham gia đóng chưa đến được với công chúng.

Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chia hoa hồng cho nhà phát hành ra sao nên rất lúng túng. Trong khi đó, bao năm rồi, phim do tư nhân sản xuất họ tự quyết định tỷ lệ ăn chia nên các nhà sản xuất rất tích cực truyền thông và kéo khán giả đến xem tới mức tối đa. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, khi phim Đào, phở và piano của mình sốt vé, ông vô cùng xúc động và bày tỏ lòng biết ơn khán giả khi đã yêu mến bộ phim. Càng cảm động hơn khi thời điểm cạnh tranh quyết liệt của thị trường mà phim đặt hàng vẫn được công chúng để ý. Điều đó cho thấy, nhà làm phim thực sự rất cần được trân trọng để tiếp tục sản xuất ra những bộ phim có giá trị phục vụ công chúng.

DƯƠNG MY ANH