Trong dòng chảy hối hả ở chốn phố thị, có những lúc chợt bắt gặp chút thân thương, quê mùa làm xao động tâm hồn những người vốn sinh ra từ bờ tre, gốc rạ. Hình ảnh những nghề thủ công truyền thống xưa hiện diện giữa phố phường gieo trong lòng người bao nỗi niềm nhung nhớ.
Trong dòng chảy hối hả ở chốn phố thị, có những lúc chợt bắt gặp chút thân thương, quê mùa làm xao động tâm hồn những người vốn sinh ra từ bờ tre, gốc rạ. Hình ảnh những nghề thủ công truyền thống xưa hiện diện giữa phố phường gieo trong lòng người bao nỗi niềm nhung nhớ.
1. Mới đây, trong không gian triển lãm chuyên đề Khánh Hòa - xưa và nay được Bảo tàng tỉnh tổ chức tại khu vực Công viên Phù Đổng (TP. Nha Trang), công chúng đã rất thích thú khi bắt gặp nhiều hình ảnh, khung cảnh của một thời được tái hiện nơi đây. Ở đó, có những gian hàng làm và bán các loại bánh bình dân; có nơi để tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ em; có không gian trưng bày các loại nông cụ, ngư cụ lao động… Tất cả như giúp mọi người quay ngược thời gian trở về với quê hương, đồng ruộng.
Với chúng tôi, ấn tượng nhất chính là hình ảnh người phụ nữ đến từ huyện Diên Khánh ngồi làm nón. Nhìn gương mặt chất phác, đôi tay thoăn thoắt của bà khi đưa từng đường kim để dần hoàn thiện chiếc nón đã gợi lên bao ký ức. Qua trò chuyện, được biết bà tên là Nguyễn Thị Lợi, năm nay đã ngoài 60 tuổi và có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nón. “Tôi sinh ra ở thị trấn Diên Khánh, nhưng lấy chồng ở xã Diên Sơn, kể từ đó đến nay, tôi đã học và biết nghề làm nón từ gia đình chồng. Ngày trước, nghề làm nón ở Diên Khánh có nhiều nhà, nhiều người theo làm. Nón ở Diên Khánh chắc, bền, đẹp, giá cả lại hợp lý nên được khách hàng ưa chuộng. Có nhiều gia đình làm nghề truyền từ đời này sang đời khác và có cuộc sống sung túc. Nhưng hiện nay, số lượng những gia đình còn giữ nghề ngày càng ít. Bản thân gia đình tôi cũng không còn làm nghề. Vì nhớ nghề và muốn quảng bá cho mọi người nên tôi thường nhận lời tham gia các hoạt động giới thiệu nghề truyền thống”, bà tâm sự.
Nghề làm nón tưởng như đơn giản, nhưng để làm ra được một chiếc nón thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ việc hái lá, phơi lá, chọn lá, ủi lá đến xây độn vành, chằm lá, cắt lá, nức vành, may nón… tất cả đều thể hiện sự kỳ công của người làm nón. Tuy nhiên, hiện giá bán mỗi chiếc nón thu lợi không cao, sức tiêu thụ cũng rất chậm. Nón lá đã không còn cạnh tranh được với những loại mũ đa dạng chủng loại, chất liệu khác. Vì thế, nghề xưa ngày càng trở nên hiu hắt, để lại những hoài niệm, dư ba cho những ai từng gắn bó.
2. Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển của du lịch, nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Khu du lịch Champa Island, Làng nghề Trường Sơn, Bảo tàng tỉnh, Di tích Tháp Bà Ponagar… đã dành sự quan tâm đến việc giới thiệu các nghề thủ công truyền thống đến du khách. Đến những nơi này, mọi người không chỉ được xem mà còn có thể tham gia dệt chiếu, làm nón, đan mây tre lá, làm gốm Chăm, dệt thổ cẩm… Qua đó, có những cảm nhận, trải nghiệm riêng về nghề xưa của cha ông truyền lại.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng, theo xu hướng hoạt động hiện đại, bảo tàng không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ, giới thiệu những hiện vật, cổ vật, mà còn là không gian để kể cho mọi người nghe những câu chuyện văn hóa, lịch sử. Không gian bảo tàng phải là địa điểm đưa đến cho khách tham quan những trải nghiệm chân thực nhất. Chính vì thế, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh cố gắng kết nối với các tổ chức, cá nhân để thực hiện những hoạt động tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về dấu ấn văn hóa, nghề nghiệp xưa.
Có dịp đi tìm hiểu về một số làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Nghề làm chiếu cói thôn Thủy Tú (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang), nghề làm gốm Vạn Bình (huyện Vạn Ninh), nghề làm nón Diên Sơn, Phú Lộc (huyện Diên Khánh)… mới cảm nhận được tâm tư của những người từng nhiều năm gắn bó với nghề. Không khó để chúng ta nhận thấy rằng, ngày càng ít dần những gia đình theo đuổi các nghề thủ công truyền thống. Vậy nên, giữa cảnh phố thị, thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang cặm cụi làm nón, dệt chiếu…, chợt trào dâng trong lòng những nỗi bâng khuâng. Xem nghề xưa giữa phố cũng là một cách hay để được nhớ, được biết về đời sống, sinh hoạt của những thế hệ đi trước trên mảnh đất quê hương; nhất là giới trẻ, có thể trải nghiệm, tìm hiểu để biết về một thời đã qua. Xem xong, chợt mong muốn ngày càng có nhiều nơi, có nhiều dịp để giới thiệu những không gian tái hiện nghề xưa đến mọi người; rồi lại nghĩ tới một ngày những nghề xưa tìm được sức sống mới trên chính những làng nghề vốn từng vang danh.
Giang Đình