06:04, 07/04/2023

Nhớ dòng sông quê hương!

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để nhớ về, một dòng sông hiền hòa với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Dòng sông quê hương bao năm vẫn chảy, con người ngày càng lớn khôn rồi đi xa...

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để nhớ về, một dòng sông hiền hòa với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. Dòng sông quê hương bao năm vẫn chảy, con người ngày càng lớn khôn rồi đi xa “Có ngọn khói trăm tàu. Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” (bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt), nhưng nhớ về dòng sông quê hương vẫn là những kỷ niệm êm đềm nhất, nơi dưỡng dục ta nên người, làm điểm tựa trước mỗi giông bão cuộc đời. Đối với tôi, đó là dòng sông Cái hiền hòa, êm đềm chảy qua thị trấn Thành quê tôi trước khi xuôi về TP. Nha Trang để hòa mình vào biển lớn. 

 

Dòng sông Cái chảy qua xã Diên An (huyện Diên Khánh). Ảnh: Thiều Sang
Dòng sông Cái chảy qua xã Diên An (huyện Diên Khánh). Ảnh: Thiều Sang
 
Những năm 1993 - 1995, thị trấn còn nghèo lắm, điện nước cứ chập chờn, bữa có bữa không. Mỗi khi đến hè, tầm trưa, tôi lại theo ba ra con sông Cái gần nhà. Ba ngồi giặt quần áo, còn tôi cứ thoải mái nhảy cầu tắm sông, bơi lội tung tăng, bắt cá, mò cua. Nhà nội và ngoại tôi cách nhau một cây cầu, gọi là cầu Thành, bắc ngang qua con sông Cái này. Có lần tôi dỗi má, bỏ về bên ngoại. Thấy tôi, ngoại mặt mày xanh lét, vội bảo cậu tôi chạy đi tìm má để báo là tôi đang ở với ngoại. Năm đó, tôi chừng 7-8 tuổi. 
 
Mấy hôm trước, tôi nhìn thấy mấy bức ảnh của đứa em chụp cảnh sông Cái. Rồi như tình cờ, một người anh gửi cho tôi bức ảnh chụp sông Cái năm 2008. Tôi giật mình với bức ảnh đã ngót nghét 15 năm trôi qua. Ngắm bức ảnh mà bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về. Trong bức ảnh, bụi tre dày đặc bên tay trái là góc tôi hay ngồi câu cá những trưa hè nắng gắt. Có hôm được mấy con cá rô phi, hôm được vài con cá lòng tong, rồi cá gì lạ hoắc, không biết tên. Có hôm, ngồi suốt cả tiếng đồng hồ mà tôi chẳng câu được con nào. Rồi cái hàng rào tre trống trống bên phải là bãi bồi phù sa của con sông Cái. Mùa nước chưa lên, chỗ đó sẽ là những hàng đậu ve, khổ qua, hay bắp, cà. Mấy đứa nhỏ trưa không ngủ, đem đồ hàng ra chơi, nấu cơm trong nồi đất rồi hái đồ xung quanh về làm bữa tiệc thịnh soạn. Lâu lâu, sẽ nghe tiếng sột soạt của cây roi ba má đi tìm về bắt ngủ trưa. 
 
Sâu xuống phía xa của bức ảnh là lối đi qua xóm đúc đồng, rồi đến văn miếu. Mấy đứa học giỏi trong huyện, hàng năm sẽ được người lớn dắt về tề tựu nơi đây để tưởng thưởng. Còn xóm đúc đồng, cứ vào dịp Tết sẽ thấy chộn rộn, nhà nhà chà rửa lư hương, chân đèn, phơi đầy trước sân. Người xứ xa đến không quen, chạy xe ngang qua không cẩn thận là bị lóa mắt, lủi vào dậu râm bụt nhà ai là bị bắt đền phải… cưới con gái nhà đó. Lũ trẻ chúng tôi hay gọi xóm ấy theo cách tinh nghịch là xóm “chà đồ nhôm”. Đó có lẽ là những ngày Tết vui nhất!.
 
Bây giờ, những chốn ký ức ấy đã nhường chỗ cho những khu phố khang trang, những con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp của Khu dân cư nam sông Cái. Chỗ bụi tre tôi câu cá tương lai sẽ là bến du thuyền, chỗ hàng giậu rau đậu sẽ là cây cầu nối liền hai bờ sông, bờ kè sẽ được làm dọc con sông Cái để ngăn sạt lở mùa lũ lụt. Xóm đúc đồng, văn miếu quê tôi sẽ phát triển và thay đổi thật nhiều. Mấy người hoài niệm như tôi chỉ ước rằng vào một lúc nào đó, mình được nằm ngửa mặt trên một chiếc thuyền, để nhẹ trôi trên dòng sông Cái, kể nhau nghe về mối tình câu cá bên bờ tre năm ấy và cảm tạ đất trời lại lần nữa đã vỗ về, yêu thương tôi. 
 
LÊ VIÊN