Thời chiến tranh phá hoại bằng không quân lan rộng trên miền Bắc, thư viện xã sơ tán về nhà tôi. Tiếng là thư viện nhưng thật ra sách được đóng vào cỡ khoảng chục rương cho tiện di chuyển. Với một ông nhóc mới học lớp 3, vậy đã là một kho sách quá phong phú rồi, tha hồ vùi đầu vào mà đọc. Có những cuốn đọc chỉ thấy hay hay, chưa hiểu lắm về nội dung nhưng sau này nghiệm ra, cuốn sách ấy có ảnh hưởng rất lớn đến mình sau này.
Thời chiến tranh phá hoại bằng không quân lan rộng trên miền Bắc, thư viện xã sơ tán về nhà tôi. Tiếng là thư viện nhưng thật ra sách được đóng vào cỡ khoảng chục rương cho tiện di chuyển. Với một ông nhóc mới học lớp 3, vậy đã là một kho sách quá phong phú rồi, tha hồ vùi đầu vào mà đọc. Có những cuốn đọc chỉ thấy hay hay, chưa hiểu lắm về nội dung nhưng sau này nghiệm ra, cuốn sách ấy có ảnh hưởng rất lớn đến mình sau này. Cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh đã đến với tôi như vậy. Khi đó, trí óc non nớt của cậu nhóc chỉ thấy mê say những ghi chép của ông về lịch sử đất nước, về các ngành nghề, về sinh hoạt gia tộc… Những gì tôi đọc được trong đó đủ để đám bạn chăn trâu gọi tôi là ông cụ non vì biết khối thứ.
Việt Nam văn hóa sử cương là một trong những công trình quan trọng của học giả Đào Duy Anh (1904 -1988). Ấn bản đầu tiên được nhà sách Quan Hải tùng thư in tại xưởng in Mirado Huế năm 1938. Chả biết cuốn sách hồi nhỏ tôi đọc có phải là ấn bản này hay sách tái bản sau, bởi sau này biến động cuộc đời, chả thể nào nhớ nổi bìa sách hồi đó như thế nào. Chỉ nhớ rằng những gì tôi đã từng đọc cứ ăn sâu vào trí óc non nớt, giúp rất nhiều cho công việc hàng ngày. Sau này gặp cuốn tái bản của nhà sách Nhã Nam, mừng như gặp lại người bạn cố tri.
Với quan niệm “văn hóa là sinh hoạt”, ông đã bao quát tất cả các mảng sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt trí thức, phong tục, tập quán… Những ghi chép của ông đã tóm tắt phác họa lược sử văn hóa của người Việt như một dân tộc có bề dày truyền thống. Các bậc trí giả luôn có niềm tự hào về văn hóa dân tộc, như Nguyễn Trãi đã mở đầu trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại việt ta thuở trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…”. Mặc dù cụ Đào Duy Anh rất khiêm nhường khi viết lời tựa: “Mục đích của bỉ nhân cũng không phải là soạn một bộ tổng hợp văn hóa sử, mà chỉ cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, để giúp cho các nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm mà thôi…”, nhưng thực tế sau này, cuốn Việt Nam văn hóa sử cương chính là cuốn sách đặt nền móng cho ngành Văn hóa học Việt Nam hiện đại.
Đã hơn 80 năm kể từ ngày cuốn sách ra đời, nhưng tư tưởng của ông vẫn vẹn nguyên tính thời sự khi ông viết: “Cái bi kịch của dân tộc ta là sự xung đột những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Những muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị cả văn hóa mới”.
Thủy Ngân