11:08, 02/08/2022

Tâm tình người lính nhà giàn

Đã hơn 33 năm kể từ ngày những thế hệ người lính Nhà giàn DK1 đầu tiên trụ giữa Biển Đông năm 1989, đến nay, biết bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau giữ thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Mỗi người lính đã đến, gắn bó với nơi đây đều gửi lại những cảm xúc riêng trong cuốn "Sổ tâm tình đồng đội".

Đã hơn 33 năm kể từ ngày những thế hệ người lính Nhà giàn DK1 đầu tiên trụ giữa Biển Đông năm 1989, đến nay, biết bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau giữ thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Mỗi người lính đã đến, gắn bó với nơi đây đều gửi lại những cảm xúc riêng trong cuốn “Sổ tâm tình đồng đội”.

 

<p style= &quot;text-align: justify; &quot;>Cuốn sổ tâm tình đồng đội ở Nhà giàn DK1.</p>

Cuốn sổ tâm tình đồng đội ở Nhà giàn DK1.


Lật cuốn sổ ra, chúng tôi đã rất cảm động khi đọc được tâm thư của những người lính nhà giàn trong khi làm nhiệm vụ thiêng liêng để bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Chia tay các đồng đội ở Nhà giàn DK1 ngày 12-9-2014, anh Lê Quang Tiệp (sinh năm 1982) viết: “Đến với nhà giàn, tôi thực sự xúc động khi biết về câu chuyện của chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng hy sinh quên cả thân mình để cứu đồng đội giữa sóng cuồng, bão giật năm 1990. Suốt 18 giờ trôi trong cơn bão, 18 giờ chống chọi với đại dương, biết mình không trụ được nữa, anh Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho đồng đội rồi chìm vào dòng biển sâu. Các đồng chí ơi, người lính DK1 đã chấp nhận hy sinh vì nhiệm vụ thiêng liêng. Riêng bản thân tôi được sống và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là niềm vinh dự khi tiếp nối truyền thống vẻ vang của người lính nhà giàn”.


Hay như Thượng úy Nguyễn Hữu Cường (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân), quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 2000 khi vừa tròn 20 tuổi. 22 năm qua anh dành trọn vẹn thanh xuân, sức trẻ của mình cho biển đảo quê hương. Anh tâm niệm rằng, “ai trong đời cũng có một gia đình để yêu thương, một công việc để theo đuổi và một Tổ quốc để phụng sự. Đằng sau mỗi người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 đều có một câu chuyện gia đình riêng. Nhưng vượt lên trên tất cả, các anh luôn được gia đình ủng hộ, động viên làm hậu phương vững chắc, cùng với đó là sự hòa đồng, sẻ chia của cấp trên, đồng đội nên nguôi ngoai dần nỗi nhớ nhà để vững vàng công tác”.

 

Nhà giàn DK1.

Nhà giàn DK1.


Đó còn là xúc cảm của chiến sĩ Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1976, chia tay đơn vị ngày 12-3-2014) mãi không quên kỷ niệm về một lần đón Tết ở nhà giàn với đầy đủ hương vị mùa xuân. Anh còn sáng tác bài thơ và ghi trong cuốn tâm tình đồng đội: “Lá thư anh viết tặng em/Là lá thư kể về đơn vị/Cuộc sống nơi đây ngày dài thế kỷ/Sáng, trưa, chiều, tối chỉ chừng ấy bước chân/Đồng đội anh những đứa đầu trần/Chân không dép vẫn vui cười sớm tối/Họ là những anh hùng trong thời kỳ mới/Nhận hy sinh cho Tổ quốc thanh bình”…


Cuốn sổ ấy vẫn còn nhiều  trang viết lắm. Tâm tình ấy cũng ngày càng sâu lắng hơn qua bao thế hệ người lính nhà giàn. Tất thảy đều chung một niềm tự hào được là người lính nhà giàn; là ý thức sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương, như chia sẻ của người lính đã có 18 năm gắn bó với Nhà giàn DK1 Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1973, quê Quảng Bình) rằng, trước bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, anh và các đồng đội vẫn mỉm cười lạc quan đón nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...


THÁI THỊNH