Trong chuyến công tác đến huyện đảo Trường Sa vào tháng 4, có những thùng hàng được đóng gói cẩn thận trước khi vận chuyển lên tàu ra đảo. Đó là những vật dụng làm khu vui chơi cho trẻ em và những bộ áo dài truyền thống tặng chị em phụ nữ nơi hải đảo.
Trong chuyến công tác đến huyện đảo Trường Sa vào tháng 4, có những thùng hàng được đóng gói cẩn thận trước khi vận chuyển lên tàu ra đảo. Đó là những vật dụng làm khu vui chơi cho trẻ em và những bộ áo dài truyền thống tặng chị em phụ nữ nơi hải đảo.
Sau chuyến hải trình 2 ngày đêm giữa trùng khơi sóng nước, hôm bước chân lên các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa), bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tận tay tặng những chiếc áo dài truyền thống đến các chị em phụ nữ trên đảo như gửi gắm hơi ấm từ đất liền tới biển đảo xa xôi. Bà Nga chia sẻ, trước khi ra Trường Sa, Hội LHPN tỉnh đã gọi điện cho từng phụ nữ trên đảo để hỏi về số đo, màu sắc ưa thích…, sau đó đặt may hoàn chỉnh ở TP. Nha Trang.
Hôm chúng tôi đến đảo Sinh Tồn đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Trường Sa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên tất cả phụ nữ trên đảo đều mặc áo dài tham dự lễ mít tinh. Chị Lữ Kim Cúc chia sẻ, vào các ngày lễ, Tết, khai giảng năm học mới…, chị em trên đảo đều mặc áo dài truyền thống. Mỗi khi được các đoàn công tác đến thăm và tặng những chiếc áo dài, các chị đều rất trân quý, nâng niu, giữ gìn cẩn thận để áo dài luôn mới, đẹp nhất mỗi khi đem ra mặc.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga cho biết, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đang phát động chương trình phụ nữ mặc áo dài để bảo tồn giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam và phấn đấu để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận áo dài Việt Nam là di sản văn hóa thế giới. Với quyết tâm dù ở vùng sâu vùng xa hay biên giới hải đảo, ở đâu có phụ nữ, nơi đó có bóng dáng tà áo dài, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã lồng ghép trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, thường xuyên tặng áo dài cho các chị em phụ nữ ở hải đảo và các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Phụ nữ ở huyện Trường Sa cũng được chị em ở đất liền dành nhiều tình cảm và sự quan tâm khi gửi những chiếc áo dài đẹp nhất ra đảo.
Cũng trong chuyến hải trình cùng chúng tôi, khi đến các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa, anh Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh đoàn đã tự tay lắp ráp 3 khu vui chơi cho trẻ em trên đảo. Những dụng cụ vui chơi có các giá đỡ bằng sắt, thép và mô hình bằng nhựa nhỏ gọn, đã hoàn thiện kết cấu, trị giá 350 triệu đồng, là món quà của Tỉnh đoàn tặng các em nhỏ nơi đảo xa. Anh Nam chia sẻ, để biển đảo và đất liền nối lại gần nhau hơn, những năm qua, Tỉnh đoàn đã có nhiều hoạt động xuyên suốt và thường niên hướng về Trường Sa như: thăm, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ trên đảo, xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em, khu tập thể dục thể thao cho cộng đồng dân cư… ở Trường Sa. Cùng với đó, Tỉnh đoàn còn tổ chức những ngày hội Tuổi trẻ Khánh Hòa hướng về biển đảo quê hương nhằm gắn kết tình quân dân, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THÁI THỊNH