09:07, 19/07/2022

Làm phim về nhân vật lịch sử khó hay dễ?

Bộ phim "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Linh ra rạp cuối tháng 6 vừa qua tuy có doanh thu cao nhưng tạo nên một dư luận tranh cãi về những chi tiết, hình ảnh và nội dung có liên quan đến những nhân vật trong phim còn sống như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy. 

Bộ phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Linh ra rạp cuối tháng 6 vừa qua tuy có doanh thu cao nhưng tạo nên một dư luận tranh cãi về những chi tiết, hình ảnh và nội dung có liên quan đến những nhân vật trong phim còn sống như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy. Có ý kiến  quyết liệt cho rằng một số chi tiết trong phim đã “xúc phạm”, gây hiểu lầm giữa các nhân vật với Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó là điều bình thường của điện ảnh - loại hình nghệ thuật coi hư cấu là điều hiển nhiên! Thêm nữa, có ý kiến cho rằng làm phim về nhân vật rất khó, bao giờ cũng có tranh cãi khi phim ra mắt. Tuy nhiên, lật lại trang sử điện ảnh nước nhà thì thấy rằng tỷ lệ phim làm về các nhân vật lịch sử có rất nhiều và đạt được thành công.

 

Diễn viên NSND Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu.
Diễn viên NSND Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu.
 
Giữa thập niên 60 có bộ phim gây tiếng vang lớn đó là phim “Nguyễn Văn Trỗi” của đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo. Bộ phim dựa theo tác phẩm ký sự văn học của Trần Đình Vân đã dựng lên hình ảnh một người anh hùng nổi tiếng hy sinh giữa Sài Gòn. Nhờ bộ phim có tính chất anh hùng ca và tiểu sử, công chúng hiểu rõ hơn về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi nên rất thành công. Rồi phim “Kim Đồng” với kịch bản của nhà văn nổi tiếng Tô Hoài, đạo diễn Nông Ích Đạt xây dựng về tiểu sử anh hùng thiếu niên cách mạng Nông Văn Dền - Kim Đồng. Cùng với đó có phim về Lý Tự Trọng với tên phim “Người cộng sản trẻ tuổi” của đạo diễn Vũ Phạm Từ; phim về anh hùng Cù Chính Lan có tên “Người chiến sĩ trẻ” của đạo diễn Hải Ninh;  phim “Lê Thị Hồng Gấm” của đạo diễn Huy Thành… Trong số này có bộ phim theo dòng nhân vật lịch sử thành công vang dội, đó là phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam sản xuất năm 1962, nhân vật chính của phim là chị Tư Hậu - hình tượng một người vợ chiến sĩ cách mạng có thật ở Khánh Hòa. Hình tượng chị Tư Hậu đến với công chúng qua tác phẩm văn học nổi tiếng “Chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức); diễn viên Trà Giang đóng vai chị Tư Hậu đã giành nhiều giải vàng ở liên hoan phim trong nước và quốc tế. 
 
Sau ngày đất nước giải phóng, dòng phim về nhân vật lịch sử tiếp tục phát triển với các phim: “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư nói về người mẹ anh hùng Út Tịch; “Chị Sứ” của đạo diễn Hồng Sến; “Võ Thị Sáu” của đạo diễn Lê Dân.
 
Gần đây có bộ phim rất thành công là phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh sản xuất năm 2009. Nội dung phim nói về cuộc đời chiến đấu hy sinh của nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm ở mặt trận Quảng Ngãi những năm chống Mỹ. Bộ phim dựa theo cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nổi tiếng trên văn đàn. Qua sự dàn dựng tinh tế, đầy sáng tạo của đạo diễn bậc thầy NSND Đặng Nhật Minh, bộ phim đã thực sự trở nên bay bổng của nghệ thuật sử thi. Phim giành giải vàng ở liên hoan phim trong nước và quốc tế. Trước đó, năm 1997, đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm bộ phim rất đáng xem “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”.
 
Có lẽ trong số các phim về nhân vật lịch sử thì bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” với nhân vật chính là Bác Hồ là tiêu biểu nhất. Sự ra đời của bộ phim có rất nhiều giai thoại, và sau khi phim ra mắt cũng có những ý kiến tranh luận rất sôi nổi cả về nghệ thuật lẫn chính trị. Theo các nhà làm phim, để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác (19-5-1990) nên phải có một tác phẩm điện ảnh tầm cỡ về Người. Nhà văn Sơn Tùng - tác giả nổi tiếng với “Búp sen xanh” viết kịch bản; đạo diễn Long Vân - người vừa thành công vang dội với bộ phim “Biệt động Sài Gòn” được giao làm đạo diễn. Phim có dàn diễn viên nổi tiếng ở phía Bắc vào như: Tiến Hợi đóng vai Nguyễn Tất Thành, Thu Hà vai Út Vân… Dù phim được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh duyệt nhưng vừa bấm máy thì có lệnh dừng lại để xin ý kiến Bộ Văn hóa. Đạo diễn Long Vân phải ra Hà Nội xin gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa chấp nhận ký duyệt nội dung kịch bản… Trải qua nhiều sóng gió, bộ phim cũng hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, được chiếu rộng rãi trên màn ảnh và truyền hình. Có chi tiết rất hay là phim chỉ in ra có 5 bản, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy 1 bản dành tặng nhân dân Ấn Độ. Bộ phim khi được chiếu cũng đã có nhiều bài phê bình với nhiều góc nhìn khác nhau. Dẫu vậy, đây là bộ phim về Bác đầu tiên thành công. 
 
Có thể nói, làm phim về nhân vật lịch sử khó hay dễ, bình thường hay đặc sắc, chân thật hay bay bổng… tất cả đều ở tài năng của nhà làm phim, gồm đạo diễn và biên kịch.
 
Dương Trang Hương