10:06, 10/06/2022

Nha Trang - Khánh Hòa qua hồi ký "Xứ Đông Dương"(*)

Paul Doumer, tên gọi đầy đủ Joseph Athanase Doumer (1857-1932) là một chính trị gia người Pháp. Ông là Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902 và là Tổng thống Pháp từ năm 1931 đến 1932; một nhân vật để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử cận đại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. 3 cây cầu nổi tiếng được xây dựng trong thời gian ông làm toàn quyền là cầu Long Biên Hà Nội, cầu Tràng Tiền và cầu Bình Lợi dành cho xe lửa ở Sài Gòn. Cầu Bình Lợi đã tháo dỡ vào tháng 5-2020, chỉ giữ lại 2 nhịp cầu sắt cũ để bảo tồn.

Paul Doumer, tên gọi đầy đủ Joseph Athanase Doumer (1857-1932) là một chính trị gia người Pháp. Ông là Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902 và là Tổng thống Pháp từ năm 1931 đến 1932; một nhân vật để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử cận đại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. 3 cây cầu nổi tiếng được xây dựng trong thời gian ông làm toàn quyền là cầu Long Biên Hà Nội, cầu Tràng Tiền và cầu Bình Lợi dành cho xe lửa ở Sài Gòn. Cầu Bình Lợi đã tháo dỡ vào tháng 5-2020, chỉ giữ lại 2 nhịp cầu sắt cũ để bảo tồn.

 


Cuốn sách “Xứ Đông Dương” (nguyên tác tiếng Pháp L’Indo-Chine française) được ông viết năm 1903, thuộc thể loại hồi ký, được thể hiện bằng lối văn phong đẹp đẽ đầy trí tuệ, có những hình ảnh minh họa về cả 3 Kỳ (Bắc, Trung, Nam) và 2 quốc gia Cao Miên, Lào. Trong lời mở đầu, tác giả viết: “Người ta yêu cầu tôi sắp xếp lại các ký ức của mình, đặc biệt dành cho giới trẻ, cho những con người sẽ là công dân, những người lính của ngày mai”. Tuy nhiên, qua cuốn sách, độc giả sẽ thấy ngoài nội dung khá hấp dẫn, vượt xa thể loại hồi ký còn là những nhận xét, đánh giá, thậm chí cả lời khuyên mang đậm nhãn quan chiến lược về nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý đầy kinh nghiệm và có nhận thức sâu sắc về thời cuộc.


Nội dung cuốn sách hơn 600 trang, gồm các chương: Từ Paris tới Sài Gòn, Tổng quan về Đông Dương, Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Ai Lao, Sự trỗi dậy của Đông Dương.


Trong phạm vi bài viết này, xin trích đoạn những phần về Nha Trang - Khánh Hòa với những miêu tả chi tiết, thiên nhiên hoang sơ, đẹp đẽ, nên thơ mà hùng vĩ, bạn đọc có thể hình dung Khánh Hòa xưa và gợi mở tiềm năng cho Khánh Hòa hôm nay.  


“Trước mặt chúng tôi là mũi Đại Lãnh, một ngọn núi đồ sộ, sẫm màu, với một đỉnh núi cực lớn và nhọn hướng thẳng lên trời, trông như một ngón tay của Thượng Đế mà ở cách 20 dặm người ta cũng có thể nhìn thấy. Đó là mũi Cực Đông của bán đảo Đông Dương. Nơi đây neo đậu những tàu đến Trung Hoa và Nhật Bản. Vào ban ngày, người ta dễ dàng thấy mũi này. Ngón tay đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Thật may mắn là nó không thường xuyên bị mây che.


Phía Nam mũi Đại Lãnh, con tàu đi qua trước một dãy núi có độ cao từ 200-600 mét; dãy núi này tiếp giáp với biển và là nơi có nhiều vịnh liên tiếp kề nhau như hai chị em sinh đôi. Một là vịnh Hòn Khói (nguyên văn “Baie de Hon- Kohe”), nó đủ rộng và sâu để che chắn gió lớn; vịnh mở rộng về phía Đông Nam. Vịnh kia cũng khá rộng, nó thông với vịnh thứ nhất bởi một con lạch thắt cổ chai gần một hải lý tiếp giáp với núi. Vịnh có cửa vào thứ hai thông thẳng với biển, tạo thành một kênh dài, không dưới 500 mét từ đầu này đến đầu kia. Vịnh đó là cảng Dayot (hiện là cảng Vân Phong).


Ngay từ chuyến đi đầu tiên của tôi, khi nhìn trên bản đồ, tôi đã bị ấn tượng bởi cảng Dayot. Người ta đã đưa cho tôi bản đồ và bản miêu tả về nó trong cẩm nang hàng hải. Nhờ đó tôi hiểu rằng thiên nhiên ở đây đã tạo ra một vùng kỳ vỹ bậc nhất thế giới. Các vịnh xung quanh cảng Dayot đều sâu, thuận lợi cho tàu thả neo, đây có thể là địa điểm cho cả một đội tàu lớn. Gió thổi hai bên sườn núi. Sóng đánh vào vách đá vang lừng, nghe như thách thức mọi cơn bão mạnh nhất.


Nha Trang được chờ đợi sẽ là nơi nổi tiếng; đây là nơi được bác sĩ Yersin chọn để gầy dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn. Nhà bác học như Yersin,  một con người vừa vĩ đại vừa giản dị và khiêm tốn, đã thực hiện những nghiên cứu về bệnh dịch hạch tại nơi đây và đưa ra được những kết quả đầu tiên khiến cả giới khoa học phải biết đến. Viện Pasteur ở Paris xem ông như một trong những thành viên kiệt xuất của mình.


Tôi sẽ luôn nhớ đến bác sĩ Yersin, người mà tôi yêu mến nhiều hơn là ngưỡng mộ, với lòng trìu mến, mỗi khi tôi nhớ đến lần đầu tiên đến Nha Trang, nơi những công trình nghiên cứu đã làm cho nổi tiếng về sau.


Mỗi khi nhớ lại tôi đều thấy đó là những buổi tối tráng lệ tuyệt, với vẻ đẹp quyến rũ khôn tả. Ở cái góc biển nơi lục địa với những đỉnh cao nhất, của những hòn đảo đá và những rừng cây vây quanh tứ phía, trăng tỏa sáng phủ lên vạn vật và mọi giống loài một thứ ánh sáng trắng, rực rỡ mà chỉ có mặt trăng nhiệt đới mới có thể có, tô điểm cho phong cảnh một vẻ ma mị, giống như khung cảnh thần tiên trong thế giới của các nàng tiên cá. Mặt nước gợn sóng bởi một làn gió nhẹ, phản chiếu và lấp lánh muôn mặt, ánh sáng phản chiếu từ những con sóng lên mũi tàu, và trải khắp. Nha Trang với những ngọn núi, đảo và vịnh của mình trông như một hồ lớn, hiện ra trong màu trắng tinh như tuyết. Đó là vẻ đẹp vừa thanh thoát, yên bình, vừa siêu tưởng, như vượt lên vũ trụ; sự sống thanh bình ấy làm ta cảm thấy như đó là một thế giới khác. Hiếm khi nào cảnh tượng thiên nhiên đem lại cho tôi một ấn tượng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt lại vừa bâng khuâng với nhiều cảm xúc đến thế…”.


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

 

________________________

(*) Xứ Đông Dương -  L’Indo-Chine française (hồi ký) của Paul Doumer - bản dịch của Nguyễn Xuân Khánh. Alphabooks và Nhà Xuất bản thế giới xuất bản năm 2016, tái bản lần 1 năm 2018.