Sau Truyền thông theo phong cách Win - Win (Nhà xuất bản Hà Nội, ra mắt năm 2020) - tác phẩm đầu tiên trong hành trình truyền cảm hứng qua trang sách, tác giả Phạm Sông Thu tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ hai mang tên Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành vào tháng 4-2022. Tác phẩm như viên gạch nối tiếp theo, giúp người đọc hiểu thêm về ngành truyền thông và quan hệ công chúng (PR) nói chung sau khi "nhập môn".
Sau Truyền thông theo phong cách Win - Win (Nhà xuất bản Hà Nội, ra mắt năm 2020) - tác phẩm đầu tiên trong hành trình truyền cảm hứng qua trang sách, tác giả Phạm Sông Thu tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách thứ hai mang tên Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành vào tháng 4-2022. Tác phẩm như viên gạch nối tiếp theo, giúp người đọc hiểu thêm về ngành truyền thông và quan hệ công chúng (PR) nói chung sau khi “nhập môn”.
Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? được lên ý tưởng cùng lúc với cuốn sách đầu tiên, sớm được tác giả hoàn thiện nội dung cơ bản và lên lịch dự kiến ra mắt. Tuy nhiên, trải qua 2 năm dịch Covid-19 với những tác động mạnh đến đời sống xã hội, tác giả có thêm thời gian để hoàn thiện, củng cố một số nội dung mà anh tâm đắc.
So với cuốn sách đầu tay, cuốn sách này vẫn giữ được ưu điểm là hệ thống lại một số lượng lớn các sự vụ liên quan đến truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Từ đó, người đọc dễ dàng hình dung và hiểu được ý đồ nội dung, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Đó không chỉ là những sự vụ nóng hổi xảy ra trong 1-2 năm trở lại đây mà xa hơn, từ 10, 20 trước, thậm chí xa hơn cho thấy bức tranh khá toàn diện về cách quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.
Toàn bộ những sự cố truyền thông hoặc các ví dụ được tác giả nhắc đến trong sách không khó tìm bởi chúng từng xuất hiện ầm ĩ trên báo chí, mạng xã hội - những nền tảng mà chỉ cần một cú click chuột, mọi người có thể tìm đọc. Tư liệu dễ kiếm, vô cùng thuận lợi nhưng không phải ai cũng có thể hệ thống một cách logic, ngắn gọn, tập trung. Và đương nhiên, nếu không phải là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông với thâm niên 20 năm như tác giả Phạm Sông Thu, sẽ thật khó để nắm bắt đầy đủ, chi tiết như vậy.
Theo tác giả, việc anh nhắc đến tên những thương hiệu lớn nhỏ cùng các sự vụ khủng hoảng truyền thông đã diễn ra không nhằm mục đích PR cho cuốn sách, mà chỉ xem toàn bộ thông tin là các ví dụ phù hợp để người đọc hiểu đúng, nắm bắt chính xác nội dung.
Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết? hướng đến đối tượng độc giả ở biên độ khá rộng, nghĩa là tất cả những ai quan tâm đến quản trị truyền thông và xây dựng thương hiệu đều có thể tìm đọc. Tuy nhiên, tác giả mong muốn cuốn sách tiếp cận được sinh viên đang theo học ngành truyền thông, quan hệ công chúng, bởi theo anh quan sát, thị trường xuất bản hiện không thiếu sách về truyền thông nhưng nội dung đa phần là lý thuyết, kiến thức tổng quát mang tính lý luận. Trong khi đó, sinh viên hiện tại với việc tiếp cận nhanh nhạy xu hướng và công nghệ thông tin tân thời, họ cần nguồn tư liệu thực tế. Cuốn sách sẽ phần nào rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn cho sinh viên.
T.K