Ngày 15 và 16-4, đồng bào huyện miền núi Khánh Vĩnh có dịp hòa cùng không khí rộn ràng của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã tụ hội về đây để đua tài, học hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Ngày 15 và 16-4, đồng bào huyện miền núi Khánh Vĩnh có dịp hòa cùng không khí rộn ràng của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã tụ hội về đây để đua tài, học hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Nhiều hoạt động sôi nổi
Những ngày qua, không gian khu vực Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Vĩnh trở nên sôi động, nhộn nhịp với nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, thi đấu thể thao dân tộc. Bên trong nhà thi đấu luôn sôi nổi âm thanh cổ vũ cho những cuộc tranh tài của các vận động viên ở bộ môn đẩy gậy, bắn nỏ. Màn chấm thi và diễu hành xe tuyên truyền lưu động cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Không gian triển lãm với hơn 60 bức ảnh về đời sống, sinh hoạt, đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng giúp cho nhiều người thấy được vẻ đẹp của người dân tộc thiểu số.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm nay có hơn 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia. Đây là dịp để góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của các dân tộc trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Từ đây, thắt chặt thêm tình đoàn kết và củng cố hơn khối đại đoàn kết dân tộc. |
Ở không gian phiên chợ quê, trong gian hàng của mình, mỗi địa phương đã giới thiệu đến khách tham quan những sản phẩm mang tính đặc trưng. Các gian hàng của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh giới thiệu về những loại trái cây ngon như: bưởi da xanh, sầu riêng, mít… và các vật dụng lao động truyền thống, những món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa lại giới thiệu những món ăn gắn với tên tuổi của địa phương như: chả cá, nem chua. Đến gian hàng của huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, khách tham quan có thể thưởng thức nhiều giống xoài, sản phẩm làm từ trái xoài. Gian hàng của huyện Diên Khánh giới thiệu về những loại bánh dân gian như: bánh ít, bánh ướt, bánh hỏi, bánh tráng… TP. Nha Trang lại mang đến món bánh xèo hải sản được làm tại chỗ để phục vụ thực khách; sản phẩm rong nho và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ vỏ sò, vỏ ốc.
Khi màn đêm buông xuống, khu vực sân khấu chính lại rộn ràng với phần thi diễn văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc của các đội thi. Ở đó, hàng trăm khán giả đã được xem những tiết mục thi diễn có sự đầu tư của các địa phương. Đoàn nghệ thuật quần chúng của TP. Nha Trang đem đến đêm thi màn trình diễn trang phục áo dài Nét Việt đẹp mắt cùng liên khúc ca múa nhạc Trường ca non nước được dàn dựng công phu, có ý tưởng thể hiện đa dạng, hấp dẫn. Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Cam Lâm nhận được sự ủng hộ cổ vũ của khán giả với tiết mục múa Niềm vui Raglai và phần trình diễn trang phục đặc trưng các dân tộc H’mông, Raglai, Tày… Với đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Khánh Sơn, khán giả lại được dẫn dắt về với vùng miền núi đại ngàn hùng vĩ qua ca khúc Đường đi lên Khánh Sơn quê em, độc tấu đàn tam thập lục Rừng xanh vang tiếng ta lư, cùng màn trình diễn trang phục dân tộc Raglai ấn tượng. Các đoàn nghệ thuật quần chúng của những địa phương khác cũng cố gắng đưa đến cho khán giả những tiết mục ý nghĩa.
Vui ngày gặp gỡ
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông đảo người dân đến xem, tham gia các hoạt động. Chị Pi Năng Thị Yến (thôn A Xay, xã Khánh Nam) cho biết, đã lâu rồi chị mới được xem trực tiếp những tiết mục văn nghệ, thi đấu thể thao hay, sôi nổi. Qua đó, chị biết thêm được nhiều cái hay, cái mới của những địa phương khác trong tỉnh. Còn nghệ nhân Y Oanh (thôn Soi Mít, xã Khánh Hiệp) chia sẻ: “Tôi đến đây để tham gia tái hiện lễ mừng bến nước của đồng bào Ê đê. Tôi rất vui khi được giới thiệu đến mọi người về một phong tục lâu đời của ông bà truyền lại. Từ đây, tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều dịp để được gặp gỡ, giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của đồng bào mình đến mọi người”.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, đây là lần thứ 3 địa phương vinh dự được tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Tuy còn có những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng địa phương đã nỗ lực để tổ chức thành công hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó, huyện cũng dành sự quan tâm, đầu tư và vận động các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia nhiệt tình các nội dung của ngày hội văn hóa.
Giang Đình