UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đưa ra nhiều mục tiêu, giải pháp mang tính khả thi để xây dựng, phát triển văn hóa, con người của địa phương.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đưa ra nhiều mục tiêu, giải pháp mang tính khả thi để xây dựng, phát triển văn hóa, con người của địa phương.
Dành sự quan tâm cho văn hóa
Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm hiện thực hóa chiến lược trên, cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng 8 năm tới, nền văn hóa của tỉnh hướng tới việc phát triển toàn diện, đồng bộ, bảo đảm hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế và tận dụng tiềm năng du lịch của tỉnh. Cụ thể, các địa phương cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh phấn đấu 100% có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt tiêu chuẩn. Các thiết chế văn hóa - thể thao cấp thôn từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, ổn định về tổ chức, hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Những thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Bảo tàng; trung tâm biểu diễn nghệ thuật; trung tâm văn hóa - triển lãm; thư viện được xây dựng, cải tạo mới, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, triển lãm, trình diễn văn hóa, nghệ thuật.
Đối với các di tích cấp quốc gia, phấn đấu có 70% di tích được tu bổ, tôn tạo; con số này đối với di tích cấp tỉnh khoảng 80%; những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ cố gắng xây dựng đề án, chương trình bảo vệ, phát huy giá trị đạt tỷ lệ 70%. Bên cạnh đó, bảo đảm ít nhất 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và 90% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa; hơn 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Những đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật phải được tin học hóa 100%. Các ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo phấn đấu đóng góp 7% vào GDP của tỉnh và duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Hàng năm, mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách…
Triển khai 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần được các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển, nâng tầm văn hóa, vấn đề nhìn nhận rõ vai trò, vị trí, đóng góp của văn hóa vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương rất quan trọng. Đối với các di sản văn hóa dân tộc, tỉnh tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển tài nguyên văn hóa, lịch sử ở các di tích như: Tháp Bà Ponagar; Thành cổ Diên Khánh; hệ thống đình, chùa, miếu; bảo tàng ở Viện Hải dương học; bảo tàng Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang; Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; địa điểm lưu niệm tàu C235 - đường Hồ Chí Minh trên biển… Các hoạt động văn hóa dân gian như: lễ hội Tháp Bà Ponagar; biểu diễn nghệ thuật truyền thống bài chòi, tuồng, nhạc cụ dân tộc được quan tâm gìn giữ, phát huy. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu; phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa; chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, tỉnh sẽ hoàn thành dự án đầu tư Thư viện tỉnh thành thư viện số và thư viện tự động hóa; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa nghệ thuật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Kế hoạch đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; xây dựng con người Khánh Hòa phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa. |
Giang Đình