Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) lần thứ nhất năm 2022, trong những ngày qua, Thư viện tỉnh và một số trường học đã tổ chức các hoạt động nhằm góp phần lan tỏa niềm đam mê đọc sách, khám phá kho tàng tri thức của nhân loại đến các em học sinh (HS).
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) lần thứ nhất năm 2022, trong những ngày qua, Thư viện tỉnh và một số trường học đã tổ chức các hoạt động nhằm góp phần lan tỏa niềm đam mê đọc sách, khám phá kho tàng tri thức của nhân loại đến các em học sinh (HS).
Ngày hội của người yêu sách
Sáng 18-4, sau nghi thức chào cờ đầu tuần, các em HS Trường Tiểu học Phương Sài (TP. Nha Trang) đã cùng hòa mình vào không khí của ngày hội văn hóa đọc. Tại đây, các em biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ có nội dung về những câu chuyện đã được học; thuyết trình mô hình trưng bày, trang trí sách; giới thiệu những bức tranh thể hiện nội dung một quyển sách các em đã đọc; làm báo tường tuyên truyền về giá trị của sách… “Được tham gia vào ngày hội đọc sách, em cảm thấy rất vui. Đến đây, em mong muốn được chia sẻ với các bạn những điều bổ ích, thú vị khi đọc những câu chuyện hay”, em Nguyễn Trần Thy Uyên chia sẻ.
Cùng ngày, Trường THCS Trần Quốc Toản (Nha Trang) phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức hội thi kể chuyện theo sách và trưng bày sắp xếp sách nghệ thuật. Các em HS lớp 6 của trường đã mang đến hội thi những câu chuyện kể theo sách về các chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh; truyền thuyết Thiên Y A Na; Thánh Gióng; chuyện về anh hùng Nguyễn Phan Vinh… Nhân dịp này, Thư viện tỉnh trao tặng 50 quyển sách các loại để bổ sung vào tủ sách của thư viện nhà trường. Sau khi hoàn thành xong phần thi của mình, em Huỳnh Hoa Ngân Khánh chia sẻ, tham gia hội thi bản thân thấy rất hồi hộp, nhưng cũng thú vị khi có thêm những trải nghiệm mới liên quan đến việc đọc sách. Ở nhà, Khánh thường đọc những quyển sách về khoa học, kỹ năng sống. Qua đó, giúp em hiểu thêm về những sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên, đời sống xã hội.
Theo bà Phan Thị Kim Hạnh - Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022, Thư viện tỉnh đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa để thực hiện các hoạt động thiết thực như: Phối hợp trưng bày, giới thiệu sách; tặng sách hỗ trợ xây dựng tủ sách trong các trường học; giới thiệu tác giả, tác phẩm; thi kể chuyện theo sách; luân chuyển sách cho các trường học mượn để phục vụ nhu cầu đọc sách của HS; phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… Ngoài ra, trong khuôn viên Thư viện tỉnh cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu các loại hình thông tin tư liệu về nhiều chủ đề, lĩnh vực phù hợp với mọi đối tượng độc giả. Thông qua các hoạt động đó, nhằm góp phần khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi để HS và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng việc đọc sách báo.
Xây dựng thói quen cho trẻ
Việc phát triển văn hóa đọc trong thời gian qua ở nước ta đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đọc sách vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có việc chúng ta chưa tạo dựng được thói quen đọc sách cho HS. Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng việc khuyến khích đọc sách được bắt đầu từ lứa tuổi HS tiểu học, còn trẻ mầm non chưa biết chữ thì làm sao đọc sách. Đề cập đến vấn đề này, trong hoạt động Ngày hội đọc sách cùng bé do Trường Mầm non 3-2 (Nha Trang) tổ chức, bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang cho rằng, với trẻ em ở độ tuổi mầm non, việc đọc sách có vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ. Đây là tiền đề xây dựng kỹ năng đọc, viết sớm cho trẻ. Điều quan trọng là chúng ta phải biết biến cách thức đọc sách cho trẻ thành đọc sách cùng trẻ, để trẻ chủ động tham gia vào việc đọc sách, chứ không phải bị động ngồi nghe.
Còn thầy Nguyễn Thúc Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài cho biết, việc xây dựng văn hóa đọc và rèn luyện cho HS thói quen đọc sách cũng là một phương pháp dạy nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS. Điều này còn có tác dụng làm thay đổi hình thức hoạt động trên lớp, tạo môi trường giáo dục thuận lợi, giúp các em đến với một sân chơi bổ ích và lý thú. Nhà trường luôn cố gắng khuyến khích HS tự khám phá nhiều điều mới mẻ ẩn sau những trang sách, bài báo hoặc rèn luyện cho mình phương pháp tự học, chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động. Cùng chung quan điểm, thầy Nguyễn Tuấn Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách nên nhà trường luôn cố gắng tạo cơ hội cho HS bộc lộ những kỹ năng liên quan đến việc đọc sách. Từ đó, giúp HS phát huy năng lực tự học, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện thói quen đọc sách và làm việc với sách.
Có thể thấy, để tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ ở bất cứ độ tuổi nào đều cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và những cơ quan, đơn vị liên quan. Nhưng quan trọng là phải thực chất, hiệu quả và mang tính bền vững chứ không phải chỉ rộ lên một vài thời điểm để hưởng ứng phong trào.
GIANG ĐÌNH