05:04, 20/04/2022

Kỷ niệm 75 năm ngày mất Huỳnh Thúc Kháng (21-4-1947 - 21-4-2022)

Theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Cộng hòa Pháp từ ngày 31-5-1946  đến 20-10-1946. Trong thời gian này, theo Sắc lệnh số 82 ngày 29-5-1946, ông Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Cộng hòa Pháp từ ngày 31-5-1946  đến 20-10-1946. Trong thời gian này, theo Sắc lệnh số 82 ngày 29-5-1946, ông Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 


Ông Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1-10-1876 tại Tiên Phước, Quảng Nam, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Ông là một chí sĩ yêu nước, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử… Ông đã cùng các nhà yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp lãnh đạo phong trào Duy Tân và bị giặc Pháp bắt năm 1908, bị đày ra Côn Đảo đến năm 1919 mới được trả tự do. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân xuất bản tại Huế, tờ báo đã công bố nhiều tư liệu quý về lịch sử nước nhà, đặc biệt nêu nhiều chứng cứ về chủ quyền nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đến năm 1943, tờ báo bị chính quyền Pháp đóng cửa. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay). Ngày 21-4-1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Theo nguyện vọng của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn (một danh thắng của Quảng Ngãi). Nhà lưu niệm của ông ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị.


Ngày 21-4-1997, Tổng cục Bưu điện đã tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 50 năm ngày mất Huỳnh Thúc Kháng 1947 - 1997” tại Quảng Ngãi. Bộ tem có 1 mẫu, giá mặt 400đ, giới thiệu chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế. Ghi nhận công lao của ông đối với đất nước, ngày 19-2-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho ông và ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước có nhiều tên đường, trường học đặt tên ông.


Ngụy Như Ánh