Được tin nhạc sĩ Văn Dung ra đi ngày 8-3, công chúng và bạn bè yêu nhạc thấy bùi ngùi cảm xúc, bởi trước đó 1 tháng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng ra đi ở tuổi 87 (ngày 11-2), hay những ngày mùa đông lạnh giá cuối năm, nhạc sĩ Phú Quang ra đi trong những tiếc thương… Chỉ chưa đầy một mùa mà nền âm nhạc Việt Nam mất đi 3 nhạc sĩ tài năng xuất chúng.
Được tin nhạc sĩ Văn Dung ra đi ngày 8-3, công chúng và bạn bè yêu nhạc thấy bùi ngùi cảm xúc, bởi trước đó 1 tháng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng ra đi ở tuổi 87 (ngày 11-2), hay những ngày mùa đông lạnh giá cuối năm, nhạc sĩ Phú Quang ra đi trong những tiếc thương… Chỉ chưa đầy một mùa mà nền âm nhạc Việt Nam mất đi 3 nhạc sĩ tài năng xuất chúng.
Suốt 30 năm sáng tác, nhạc sĩ Phú Quang đã để lại một gia tài vô cùng quý giá với nhiều ca khúc trở thành tâm hồn của mỗi người yêu nhạc: Em ơi Hà Nội phố, Biển nỗi nhớ và em, Đâu phải bởi mùa thu, Tình khúc 24… Tính ra, Phú Quang phổ hàng trăm bài thơ và phần lớn trong đó đều thành sản phẩm âm nhạc có giá trị để làm album, mở đêm nhạc. Cũng chỉ có mỗi Phú Quang hàng năm cứ đến mùa đông ông trở lại Hà Nội làm đêm nhạc cho công chúng và người yêu nhạc coi nhạc của ông chính là nỗi nhớ niềm yêu của mình. Phú Quang trở thành nhạc sĩ của Hà Nội là từ đó và sắp tới đây, trong đợt trao tặng giải thưởng Nhà nước, chắc chắn ông sẽ được truy tặng giải thưởng cao quý.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã trở thành “bất tử” từ rất lâu rồi với bản nhạc lừng danh “Xa khơi” sáng tác năm 1962 khi ông mới 23 tuổi. “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ em ơi!”. Hầu như người yêu nhạc Việt Nam đều từng nghe và từng thuộc bản nhạc kinh điển này. Khác với nhiều nhạc sĩ, Nguyễn Tài Tuệ không sáng tác nhiều, có lẽ gia tài của ông chỉ vài chục bản nhạc và cũng chỉ đôi bài nổi tiếng như: Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Lời ca gửi Noong, Xôn xao bến nước…, nhưng nhắc đến ông, mọi người từ giới âm nhạc đến công chúng đều ngưỡng mộ nhạc sĩ tài hoa.
Nhạc sĩ Văn Dung đã dâng cho đời những bản nhạc từ thập niên 60 thời chiến tranh chống Mỹ cho tới ngày hòa bình với các bản nhạc rất tươi trẻ: Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca đường 9 chiến thắng, Mùa xuân cho em, Hành khúc thanh niên Việt Nam, Chiều xa bến cảng, đặc sắc nhất là Những bông hoa trong vườn Bác… Không phải ngẫu nhiên trong đợt trao tặng đợt 1 giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2001, nhạc sĩ Văn Dung được trao ngay giải thưởng Nhà nước. Điều đó cho thấy giá trị đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực âm nhạc. Ngoài sáng tác, Văn Dung là nhạc sĩ hoạt động phong trào vô cùng sôi nổi, từng nhiều năm tổ chức sản xuất chương trình “Khắp nơi ca hát” trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông từng là Trưởng phòng âm nhạc của Đài VOV, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Dung ra đi trong mùa xuân còn se lạnh và sương giăng nhưng các giai điệu lời ca tươi trẻ của ông thực sự là mùa xuân của nhiều thế hệ.
“Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi, dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi. Mà sao nghe nhói ở trong tim” (thơ Viễn Phương), chúng ta - công chúng đều vô cùng biết ơn những nhạc sĩ tài hoa dâng hiến cho đời những bài hát bất hủ để cho cuộc đời tươi xanh.
Dương Trang Hương