Trong cuộc đời hoạt động văn học của mình, nhà văn Võ Hồng đã xuất bản hơn 30 cuốn sách (gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, số còn lại là các tập truyện ngắn, thơ, bút ký, tùy bút cùng những bài phê bình, khảo cứu...).
Trong cuộc đời hoạt động văn học của mình, nhà văn Võ Hồng đã xuất bản hơn 30 cuốn sách (gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, số còn lại là các tập truyện ngắn, thơ, bút ký, tùy bút cùng những bài phê bình, khảo cứu...). Riêng sáng tác, Võ Hồng đề cập đến nhiều đề tài khác nhau: thân phận con người trong chiến tranh, tình yêu, học đường và cả đề tài dành cho thiếu nhi…, nhưng dù ở đề tài nào, trong văn của ông, bóng dáng, hình ảnh của các làng quê hay người dân quê thuộc vùng đất miền Trung vẫn hiện lên, tạo thành một dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Đặc biệt, khi viết về mùa xuân, văn chương của Võ Hồng luôn lấp lánh nhiều sắc màu, chứa đầy những bức tranh êm đềm đi vào lòng người với bao cảm xúc, bao âm hưởng ngọt ngào. Không chỉ giới thiệu đan xen, lồng ghép nét đẹp của mùa xuân, giới thiệu cảnh sinh hoạt của làng quê ngày xuân trong nội dung các câu chuyện, không ít tác phẩm của Võ Hồng, nhất là truyện ngắn đã được trực tiếp đặt tên gắn liền với mùa xuân như: “Mùa xuân êm đềm”, “Con suối mùa xuân”, “Mùa xuân nghe tiếng chim hót”, “Xuất hành năm mới”, “Cánh thiệp đầu xuân”…
Đặc điểm nổi bật khi viết về mùa xuân trong văn Võ Hồng đó là sinh thái. Thế giới tự nhiên hiện lên trên từng trang viết của ông bàng bạc với chim muông, hoa lá, cỏ cây, nắng, gió… trong sự biến thiên của đất trời khi xuân tới. Nếu ở truyện ngắn “Mùa xuân nghe tiếng chim hót”, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ, yêu đời từ tiếng hót của các loài chim thì trong truyện ngắn “Ngày xuân êm đềm”, ông đã vẽ nên bức tranh rộn ràng về những ngày sắp Tết ở miền Trung. Có thể nói, rất ít nhà văn có được những đoạn văn viết về xuân, về Tết hay như Võ Hồng: “Cùng với sự phát triển của dãy cúc vạn thọ, cái Tết như cũng lớn dần. Manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tần ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà. Cái Tết lớn lần lên với những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ. Càng đi sâu vào ngày tháng, cái Tết càng hiện rõ thêm, in dấu vết trên mọi cảnh mọi vật và mọi hoạt động của con người. Chữ Tết được nhắc đi nhắc lại một cách thân mến êm đềm trong mọi trường hợp sinh hoạt ở gia đình... Ở ngoài đường, chữ Tết len lỏi trong những câu chuyện: “Chợ Tết mà ế quá, tháng Chạp thiếu, hăm chín lấy làm ba mươi, chạy Tết cũng mệt... Tết năm nay ở Phú Mỹ có bài chòi...”.
Mùa xuân trong văn xuôi Võ Hồng luôn gắn liền, hòa quyện với sự cảm nhận của lòng người và được biểu đạt bởi lối văn dung dị, mộc mạc, vì vậy đã tạo nên sức nặng trong những trang sách của ông. Đây là một đoạn rất hay, rất trữ tình nói về dịp cúng trường khi Tết tới trong truyện ngắn “Lễ cúng trường”: “Thật đẹp là những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Hội Phú, rặng dương liễu ở Mằng Lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mãi Vùng Lấm toàn một màu vàng rất nhạt, sáng óng ánh dưới ánh mặt trời…”.
Võ Hồng qua đời vào năm 2013. Tuy văn của ông không khai thác những khía cạnh gay cấn, éo le của cuộc sống, không gây nên những cuộc tranh luận nhưng khá lôi cuốn người đọc qua lối viết nhẹ nhàng, súc tích, giàu hình ảnh, trong đó có những trang viết về Tết, về xuân. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi Võ Hồng là Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của miền Trung. Cũng không phải ngẫu nhiên mỗi khi đề cập đến những tác phẩm văn học gây ấn tượng viết về xuân, về Tết, không mấy ai lại không nhắc đến tên ông.
Hoàng Nhật Tuyên