Một trong những hoạt động chính của Bảo tàng tỉnh vào dịp Tết Nhâm Dần là phối hợp với Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang thực hiện triển lãm chuyên đề Cổ ngoạn - Nét cũ, dấu xưa. Triển lãm diễn ra từ ngày 26-1 đến 28-2, đem đến cho công chúng những cổ vật đặc trưng qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Một trong những hoạt động chính của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa vào dịp Tết Nhâm Dần là phối hợp với Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang thực hiện triển lãm chuyên đề Cổ ngoạn - Nét cũ, dấu xưa. Triển lãm diễn ra từ ngày 26-1 đến 28-2, đem đến cho công chúng những cổ vật đặc trưng qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Dấu ấn thời gian
Hơn 200 cổ vật được lựa chọn từ những bộ sưu tập của các thành viên trong câu lạc bộ đã đem đến cho người xem cái nhìn về những giá trị lịch sử, văn hóa từ thời Đông Sơn đến các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Ở đó, có những chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại từ 2.500 đến 3.000 năm trước; những chiếc đĩa thế kỷ XIII-XV; những chiếc ấm thế kỷ XVI-XVII; những chiếc chum vào thế kỷ XVII-XVIII... Từ những chiếc bình, chiếc đĩa, các loại ấm, đèn dầu… cho tới những bộ trà ký kiểu đều gợi nhớ ký ức xưa cũ trong lòng mỗi người. Đó còn là tài nghệ, sự tinh tế, nét đặc trưng được người xưa thể hiện thông qua các sản phẩm thuộc những dòng gốm như: Gốm Chu Đậu (Hải Dương), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Lái Thiêu (Bình Dương)… Triển lãm còn có nhiều cổ vật đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn. Đây là những đồ sứ do người Việt (gồm cả vua, quan và thường dân) đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề… Điều này mang tới sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm gốm sứ cổ, thể hiện cái gu của người dùng qua mỗi thời kỳ khác nhau.
Ông Đào Hòa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cổ vật Nha Trang chia sẻ: “Qua triển lãm, chúng tôi muốn giới thiệu đến đông đảo mọi người những giá trị tinh hoa của người Việt Nam từ xa xưa được thể hiện qua những cổ vật bằng đồng, bằng đá, gốm - sứ. Từ đó, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống văn hóa, tài nghệ, cũng như chí khí độc lập, tự cường của các thế hệ người Việt”,
Không gian hoài niệm
Triển lãm cổ vật vào dịp Tết đã trở thành hoạt động truyền thống của Bảo tàng tỉnh và Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang. Mỗi thành viên khi đưa cổ vật đến triển lãm đều có chung mong muốn giới thiệu đến người dân và du khách gần xa về những cổ vật quý hiếm đang được lưu giữ, cũng như những giá trị của cổ vật trong di sản văn hóa Việt Nam. “Việc sưu tầm cổ vật là sở thích, đam mê của mỗi cá nhân. Chia sẻ niềm đam mê đó với mọi người bằng việc giới thiệu các hiện vật trong bộ sưu tập của mình cũng là nhu cầu của người sưu tầm. Điều này càng góp phần giúp cho hình ảnh, giá trị của mỗi cổ vật được lan tỏa rộng hơn”, ông Đào Hòa cho biết.
Khi ngắm nhìn những cổ vật đã in hằn dấu tích thời gian trên đó, trong mỗi người đều dậy lên niềm xúc cảm. Đó có thể là sự khâm phục trước bàn tay tài hoa của người thợ thủ công thuở xưa; cũng có thể là sự chiêm nghiệm về những giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc; hoặc đơn giản hơn là chút hoài cổ trong tâm hồn mỗi người… “Tôi thấy những cổ vật được giới thiệu ở triển lãm này đã có sự chọn lựa khá kỹ nên đem tới cho người xem cái nhìn cơ bản đầy đủ về những giá trị đặc trưng qua mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước ta. Đây là lần đầu tôi được trực tiếp xem nhiều cổ vật như vậy và biết thêm được nhiều điều bổ ích”, bà Nguyễn Thùy Khánh Trang (du khách từ TP. Vũng Tàu) cho biết.
Triển lãm như một nét son góp phần quảng bá văn hóa, mở rộng mối giao lưu và thu hẹp khoảng cách giữa các nhà sưu tập tư nhân với các tổ chức, cơ quan và công chúng. Một thoáng đến với triển lãm Cổ ngoạn - Nét cũ, dấu xưa để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đất nước.
Giang Đình