11:12, 14/12/2021

Khi nhà văn tự bán sách

Vừa qua, trên Facebook nhà thơ - họa sĩ chủ trang blog Trần Nhương đăng hình ảnh đích thân tác giả hồ hởi đóng gói đem gửi cho bạn đọc xa gần cuốn tiểu thuyết có tên rất lạ: Kim kổ kỳ kuặc ký! 

Vừa qua, trên Facebook nhà thơ - họa sĩ chủ trang blog Trần Nhương đăng hình ảnh đích thân tác giả hồ hởi đóng gói đem gửi cho bạn đọc xa gần cuốn tiểu thuyết có tên rất lạ: Kim kổ kỳ kuặc ký! Điều đáng nói là Trần Nhương rất nổi tiếng, đã in hàng chục đầu sách, trong đó có nhiều cuốn ăn khách nên lần này nhà thơ tự in, tự bán sách gây ngỡ ngàng với bạn bè văn chương và độc giả. Tuy nhiên, nhà thơ lại thấy rất sung sướng mỗi khi có một tin nhắn kết nối đặt hàng. Rồi ông tự đóng gói đem ra bưu cục gửi cho khách hàng xa gần. Không biết ông đã bán được bao nhiêu cuốn tiểu thuyết dạng phát hành này nhưng có vẻ ông rất vui.

 

Vừa qua, trên Facebook nhà thơ - họa sĩ chủ trang blog Trần Nhương đăng hình ảnh đích thân tác giả hồ hởi đóng gói đem gửi cho bạn đọc xa gần cuốn tiểu thuyết có tên rất lạ: Kim kổ kỳ kuặc ký! Điều đáng nói là Trần Nhương rất nổi tiếng, đã in hàng chục đầu sách, trong đó có nhiều cuốn ăn khách nên lần này nhà thơ tự in, tự bán sách gây ngỡ ngàng với bạn bè văn chương và độc giả. Tuy nhiên, nhà thơ lại thấy rất sung sướng mỗi khi có một tin nhắn kết nối đặt hàng. Rồi ông tự đóng gói đem ra bưu cục gửi cho khách hàng xa gần. Không biết ông đã bán được bao nhiêu cuốn tiểu thuyết dạng phát hành này nhưng có vẻ ông rất vui.

Nhà thơ Trần Nhương đóng gói sách theo đơn hàng bạn đọc.


Lẽ thường, lâu nay nhà văn, nhà thơ chỉ chú trọng sáng tác, còn việc in ấn phát hành đều nhờ cậy hết vào nhà xuất bản. Sang thời đại mới thì nhiều công ty sách hay nhà sách sẽ làm việc ấy. Tuy nhiên, không hẳn sách nào in cũng bán được, nếu cứ để nhà xuất bản hay nhà sách phát hành thì phần lớn sách của nhiều nhà văn đều rất khó bán. Do vậy, nếu không phải là tác giả nổi tiếng hay có nguồn tài trợ thì hầu như các nhà xuất bản chỉ cấp phép xuất bản, còn sách in bao nhiêu, phát hành thế nào thì tác giả phải tự lo. Vì thế, việc nhà văn phải làm nhà phát hành là lẽ đương nhiên. Nếu như các nhà thơ phần lớn tự bỏ tiền in và nhận sách về để tặng bạn bè thân hữu thì với các nhà văn, việc tặng sách cũng có đôi lúc làm chạnh lòng tác giả, vì rất nhiều người được tặng sách lịch sự cầm cho tác giả vui lòng rồi lẳng lặng để sách trên giá không bao giờ mở sách ra đọc!


Thế nên, có một trào lưu trong mấy năm trở lại đây đã lan trong giới viết: Hạn chế tặng sách! Nếu có tặng thì tặng đúng bạn đọc, người cần, không nên gặp ai cũng tặng. Theo quan điểm của nhà văn Khuê Việt Trường, sách nên bán, vì người ta có bỏ tiền ra mua thì mới quý sách! Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền cũng cho rằng đã đến lúc hạn chế tặng sách mà nên bán sách, và với nhà văn bán được sách họ rất mừng. Nhà văn Lê Đức Dương trong mấy lần in sách thiếu nhi dù được nhà xuất bản lớn bảo trợ: trả nhuận bút, phát hành, truyền thông toàn quốc nhưng anh vẫn nhận hàng nghìn cuốn sách về tự tổ chức phát hành ở Nha Trang và thấy rất hạnh phúc khi các độc giả đón nhận. Nhà văn trẻ Sơn Trần ở Quảng Ngãi viết rất khỏe, anh in cuốn nào bán cuốn đó, vừa rồi in một lúc 2 tập thơ nhưng nhờ bạn bè, bạn đọc đông đảo nên cũng bán được hết sách, điều đó thật đáng mừng.


Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nhà sáng tác cần phải bỏ qua định kiến “nhà văn mà đi bán sách của mình?”. Tất nhiên, chúng ta vẫn biết có những nhà văn chỉ tập trung viết, còn việc phát hành đã có hệ thống nhà sách lo. Nhưng số nhà văn như thế ở Việt Nam rất ít. Đã qua cái thời nhà văn thụ động chỉ có viết mà phải chủ động tiếp cận bạn đọc, biết được nhu cầu, sở thích của họ, từ đó từng trang viết sẽ trở nên sống động và thiết thực hơn. Vì vậy, việc nhà văn cùng xắn tay áo vào bán sách của mình là điều đương nhiên và hợp thời thế, bởi hiện nay ai cũng có điều kiện tự thân quảng bá đó là mạng xã hội.


Dương Trang Hương