11:11, 16/11/2021

Nhà giáo - nhân vật lịch sử

Trong thế kỷ XX, một số nhân vật lịch sử nổi tiếng Việt Nam xuất thân từ những nhà giáo, được giới thiệu trên tem bưu chính nước ta đến nay, có một số thầy giáo tiêu biểu như sau:

Trong thế kỷ XX, một số nhân vật lịch sử nổi tiếng Việt Nam xuất thân từ những nhà giáo, được giới thiệu trên tem bưu chính nước ta đến nay, có một số thầy giáo tiêu biểu như sau:

 

- Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (1890 - 1969): tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ. Trên đường đi tìm đường cứu nước, khi đến Phan Thiết vào tháng 8-1910, Nguyễn Tất Thành được bạn học cũ của cha mình giới thiệu đến ông Hồ Tá Bang để về dạy học tại Trường Dục Thanh. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành phụ trách dạy môn chữ quốc ngữ, Hán văn và kiêm luôn dạy môn thể dục. Sau khi trở thành lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn tâm huyết đối với ngành Giáo dục nên Người đã phát động nhiều hoạt động về sự nghiệp “trồng người” như: phong trào xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ… vì theo Bác “…một dân tộc dốt là một dân tộc yếu…”, cho nên “vì lợi ích trăm năm phải trồng người”… Với Bác “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

 

 

- Thầy giáo Phan Bội Châu (1867 - 1940): là nhà cách mạng, nhà thơ… Việt Nam đầu thế kỷ XX. Năm 1896, ông vào Huế dạy học và đã dám chỉ trích nền giáo dục lúc bấy giờ của thực dân Pháp “chỉ dạy người Việt viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp”. Ông là người khởi xướng phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân và Đông Du - những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nên đã bị thực dân Pháp bắt giam lỏng tại nhà ở Huế cho đến khi mất. Năm 1990, nhà lưu niệm thầy giáo Phan Bội Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 875 ngày 14-5-1990 công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.


- Thầy giáo Hà Huy Tập (1906 - 1941): là Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học ở Huế, Hà Huy Tập vào làm giáo viên tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Nha Trang, Khánh Hòa. Tháng 8-1926, ông chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An. Tháng 3-1927, ông vào dạy học tại Trường Nguyễn Xích Hồng ở Gia Định (Sài Gòn). Trong thời gian làm thầy giáo, ông còn dạy chữ cho công nhân và dân nghèo, dùng tiền lương của mình để mua sách vở giúp học sinh nghèo. Đến tháng 5-1938, ông bị thực dân Pháp bắt và bị xử bắn vào ngày 28-8-1941 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Ðịnh.


- Thầy giáo Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013): Thế giới biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài về quân sự, nhưng ông cũng là nhà giáo dục, thầy giáo dạy sử nổi tiếng ở nước ta. Tháng 5-1935, thầy giáo Võ Nguyên Giáp về dạy tại trường tư thục Thăng Long - Hà Nội (nay là Trường Tiểu học Thăng Long), phụ trách môn tiếng Pháp, Địa lý, Lịch sử ở các lớp đệ nhất đến lớp đệ tứ; ở những lớp cao hơn, ông dạy môn Lịch sử. Vào những năm đầu thành lập Học viện Lục quân (7-7-1946), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giảng viên của trường trong nhiều năm. Là người luôn tâm huyết với ngành Giáo dục, khi gặp các nhà lãnh đạo giáo dục nước ta, Đại tướng (lúc này đã 96 tuổi) luôn dặn dò: “Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất…”.


Nhà giáo - nhân vật lịch sử Việt Nam là những lãnh tụ, những thầy giáo mẫu mực, đáng kính đào tạo biết bao thế hệ học trò, nhân tài và đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đó là những tấm gương sáng mãi cho muôn đời sau.


Ngụy Như Ánh