Trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19, các nền tảng số, ứng dụng trực tuyến đang là một gợi ý cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Nhưng để có thể lôi cuốn khán giả theo dõi trên nền tảng số là chuyện không đơn giản.
Trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19, các nền tảng số, ứng dụng trực tuyến đang là một gợi ý cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Nhưng để có thể lôi cuốn khán giả theo dõi trên nền tảng số là chuyện không đơn giản.
Ứng phó tình thế
Từ cuối tháng 4 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Văn hóa đã tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, văn nghệ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Nhiều hoạt động văn hóa chuyển sang hình thức tổ chức tránh tập trung đông người. Hoạt động tuyên truyền trực quan được đẩy mạnh với nhiều cách thức khác nhau. Các lễ hội được tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội… “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm. Rất nhiều hoạt động của ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã không diễn ra theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng đã xuất hiện nhiều cách làm khá phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Theo đó, một số chương trình văn hóa, văn nghệ đã được dàn dựng nhưng chưa tổ chức biểu diễn, ngành Văn hóa phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa ghi hình và phát trên sóng truyền hình, mạng xã hội. Sở Văn hóa và Thể thao cũng chỉ đạo Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thành lập đội văn nghệ xung kích với 21 ca sĩ, diễn viên thực hiện biểu diễn ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, góp phần cổ vũ, động viên bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Xu thế, nhưng làm không dễ
Mấy tháng qua, nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật trong cả nước đã thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật để phát trên các nền tảng trực tuyến. Những “nhà hát online”, “sân khấu trực tuyến” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi đưa các chương trình nghệ thuật đến gần hơn với khán giả. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những bước đi mang tính thử nghiệm. Dù được giới thiệu khá nhiều trên các phương tiện báo chí chính thống nhưng lượng khán giả theo dõi, tương tác vào các chương trình đó chưa như kỳ vọng. Đón bắt xu thế là điều nên làm, nhưng làm sao để thành công, có dấu ấn lại là câu chuyện không hề đơn giản. Trên môi trường mạng xã hội, không gian số có thể MV của một ca sĩ nào đó, thậm chí clip hát lại của một cá nhân thu hút được cả triệu lượt theo dõi, bình luận, chia sẻ, nhưng tâm huyết của cả một nhà hát, đoàn nghệ thuật lại ít nhận được sự quan tâm của công chúng.
Với các đơn vị nghệ thuật của tỉnh như Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng hay Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đều có fanpage hoặc tài khoản YouTube nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu thời gian, địa điểm biểu diễn hoặc đăng một số tiết mục, chương trình nghệ thuật của đơn vị. Vậy nên, lượng người vào xem cũng không nhiều. “Chúng tôi vẫn biết việc đăng phát các tiết mục, chương trình nghệ thuật lên mạng xã hội, nền tảng trực tuyến là cần thiết, nhưng để có thể thu hút được khán giả vào xem thì vẫn còn là bài toán khó”, ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết.
Việc các kênh online, fanpage của những đơn vị nghệ thuật chưa thu hút được khán giả đó là do nội dung thiếu hấp dẫn; khán giả vẫn chưa quen với việc tương tác và hưởng thụ nghệ thuật trên không gian mạng; sự xuất hiện của các chương trình gameshow, giải trí khiến cho việc lên mạng xem kịch hay biểu diễn nghệ thuật bị xao lãng. Để tháo gỡ được những vướng mắc đó, các đơn vị văn hóa nghệ thuật cần xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn online một cách bài bản, có đầu tư, trên cơ sở đó dần định hình phong cách và xây dựng thương hiệu cho mình. Mỗi đơn vị nên mạnh dạn thay đổi tư duy mới tổ chức biểu diễn trên không gian mạng. Làm được như thế mới mong có được những chương trình phù hợp với thị hiếu khán giả trong bối cảnh mới, khán giả mới.
Giang Đình