Những năm trước, đến rạp xem phim đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của nhiều khán giả, nhất là giới trẻ. Thế nhưng, sau hơn 1 năm oằn mình với dịch Covid-19, thú vui này dường như đã trở nên xa xỉ. Khán giả bây giờ coi việc xem phim ở nhà như một giải pháp nhất cử lưỡng tiện.
Những năm trước, đến rạp xem phim đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của nhiều khán giả, nhất là giới trẻ. Thế nhưng, sau hơn 1 năm oằn mình với dịch Covid-19, thú vui này dường như đã trở nên xa xỉ. Khán giả bây giờ coi việc xem phim ở nhà như một giải pháp nhất cử lưỡng tiện.
Lượng khách giảm sút
Sau quãng thời gian chập chờn lúc chiếu, lúc ngưng theo diễn biến của dịch Covid-19, lượng khán giả đến các rạp phim sụt giảm rất nhiều. Tại một số rạp phim ở TP. Nha Trang, vào những thời điểm được phép hoạt động, lượng khán giả chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Ngay cả những ngày lễ, Tết, lượng khách tăng không bao nhiêu. Mới đây, khi đợt dịch lần thứ tư ập đến, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim trên địa bàn tỉnh từ ngày 22-5 cho đến khi có thông báo mới. “Việc hoạt động rồi tạm nghỉ và ngược lại khiến chúng tôi cảm thấy rất bấp bênh cả về nguồn thu cũng như tinh thần làm việc. Lượng khán giả đến rạp vì thế cũng giảm sút. Tuy vậy, vì lợi ích chung của cộng đồng, chúng tôi phải chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch”, giám sát một rạp chiếu phim ở TP. Nha Trang cho biết.
Hoạt động thiếu ổn định của các rạp chiếu phim đã dẫn tới số lượng các phim hay ra rạp cũng khiêm tốn. Điều này vô hình trung làm giảm sức hút khán giả đến các phòng chiếu. Bên cạnh đó, việc một số nhà sản xuất phim có xu hướng chuyển dịch cách thức phát hành phim sang các nền tảng số, mở ra hướng tiếp cận rộng rãi hơn cũng làm khán giả “lười” đến rạp phim hơn. “Trước đây, tôi thường cùng bạn bè đi xem phim ở rạp, nhất là mỗi lần có phim mới. Khoảng 1 năm nay, tôi đã dần quen với việc xem phim tại nhà, tuy không mang lại cảm giác thú vị nhưng đổi lại là sự an toàn, giảm thiểu việc ra ngoài và tiết kiệm chi phí”, bạn Trần Thị Thanh Phương - sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa cho biết.
Dần chuyển hướng cung - cầu
Trước đây, việc phát hành phim theo phương thức công chiếu tại rạp luôn được nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng, từ thời điểm ra mắt, địa bàn công chiếu, công tác truyền thông trước, trong và sau khi ra phim… Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cách làm này đã thay đổi. Nhiều hãng phim đã phải hoãn, lùi kế hoạch ra mắt phim mới ở rạp hoặc lựa chọn những hình thức linh động, an toàn hơn. Điều này dẫn tới việc các rạp thường xuyên phải điều chỉnh, dời lịch chiếu của nhiều phim đang “hot”.
Để bù đắp phần nào sự thiếu hụt phim chiếu ở rạp, các nhà sản xuất phim Việt dần chuyển qua hướng phát hành phim online. Độ phủ sóng rộng, không phụ thuộc vào khoảng cách và thích ứng với các quy định về giãn cách xã hội… là những lợi thế của phương thức này. Hiện nay, những ứng dụng xem phim online được nhiều khán giả Việt lựa chọn như: Galaxy Play, FPT Play, Netflix, Apple TV. Trên các ứng dụng này, khán giả có thể lựa chọn nhiều phim Việt của các đơn vị sản xuất phim tư nhân được phát hành gồm: Em chưa 18, Hạnh phúc của mẹ, Hậu duệ mặt trời, Lửa Phật, Ngôi nhà bươm bướm, Siêu sao siêu ngố, Trời sáng rồi ta ngủ thôi, Hương ga, Mẹ chồng, Về quê ăn Tết… Tuy đây là những phim cũ nhưng cũng phần nào đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả giữa mùa dịch.
Theo các nhà chuyên môn, xu hướng khán giả dần thích xem phim tại nhà là một nguy cơ đối với các rạp phim. Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là xu hướng phát hành phim online sẽ kéo theo câu chuyện về bản quyền, việc kiểm soát phim khi đưa lên nền tảng trực tuyến. Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới có lẽ sẽ có những quy định cụ thể về vấn đề này. Còn hiện tại, các công ty phát hành phim nên tính đến chuyện kéo khán giả trở lại rạp thời hậu Covid-19. Trong đó, việc có những bộ phim điện ảnh chất lượng nghệ thuật tốt sẽ là quân át chủ bài để khán giả cân nhắc nên đến rạp hay ở nhà xem phim.
Giang Đình